Hàng loạt trái cây Việt chờ cấp ‘visa’ xuất ngoại
Bưởi, cây dược liệu, sầu riêng đông lạnh... và nhiều loại trái cây Việt Nam đang tiếp tục trong quá trình đàm phán để mở cửa thị trường trong hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Sắp tới sẽ có thêm rất nhiều loại trái cây Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào những thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc. Thông tin trên được được ra tại hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức ngày 2-8.
Nhiều trái cây chờ vào thị trường mới
Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cho biết thị trường Trung Quốc hiện cho phép nhập khẩu một số loại trái cây Việt Nam, bao gồm các mặt hàng truyền thống như xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít và thanh long.
Ngoài ra, một số trái cây Việt Nam mới được phép xuất khẩu trong những năm gần đây bao gồm măng cụt (2019), sầu riêng, khoai lang (2022), chuối (2022), dưa hấu (2023) và dừa (2024). Chanh leo và ớt hiện đang được quy định tạm thời.
“Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam có múi như bưởi, cây dược liệu và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ngoài ra, chanh leo cũng đang hoàn tất thủ tục để xuất sang Australia, New Zealand. Mới nhất, Hàn Quốc chính thức cấp phép cho mặt hàng bưởi tươi” - ông Quang chia sẻ.
Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tuy nhiên theo ông Quang, các biện pháp kiểm dịch được quốc gia đưa ra rất gắt gao nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy cơ về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan.
“Mỗi quốc gia có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ giúp trái cây Việt Nam xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo, hoặc hạn chế nhập khẩu” - ông Quang nói.
Các Hiệp định EVFTA, RCEP mở ra nhiều thị trường mới cho trái cây Việt Nam. Ảnh: QH
Theo ông Quang, hội nghị hôm nay nhằm mục đích tăng cường phổ biến, cập nhật các quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS), giúp doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và thủy sản nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.
Vẫn còn nhiều cảnh báo
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường trong số lượng cảnh báo từ EU. Cụ thể là 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, TP.HCM đóng góp một tỉ lệ lớn với 23/57 lượt cảnh báo, mặc dù các vùng sản xuất chính có thể không nằm tại TP.HCM.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng trái cây Việt Nam phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn là thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
“Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế”- TS Nam cảnh báo.
Quang cảnh hội nghị.
Về giải pháp, TS Nam cho biết vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.
Đề án gồm 8 nhóm nhiệm vụ, 9 giải pháp và 10 hoạt động ưu tiên. Mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Song song với hoạt động triển khai đề án cần có sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi; doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến; hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý và địa phương.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Trung ương cần tăng cường đàm phán tháo gỡ khó khăn với các nước nhập khẩu về các biện pháp SPS; ký kết và nâng cấp các FTA; thúc đẩy mở cửa thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thường xuyên về các biện pháp ATTP tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Cập nhật các quy định của các nước nhập khẩu để phổ biến kịp thời cho các cơ quan, đơn vị để có điều chỉnh phù hợp; tăng cường biên soạn, đăng tải các tài liệu, cẩm nang về quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, ATTP, SPS của các thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc…
Trái cây Việt Nam hay các mặt hàng nông sản, thủy sản khác cần đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu để tránh bị cảnh báo. Ảnh: QH
Về phía địa phương, cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định về kiểm dịch động thực vật, nâng cao nhận thức cho người nông dân về ATTP và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản.
Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, kho lạnh quy mô lớn; tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Khi thị trường đang chững lại thì tháng 7 âm lịch đã cận kề. Khi chính sách giảm lệ phí trước bạ chưa có thông tin, nhiều người cho hay sẽ tạm gác kế hoạch mua xe... Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô vẫn hy vọng chính sách ưu đãi sớm được “kích hoạt”.
Nguồn: [Link nguồn]