Hàng loạt phí, lệ phí sẽ được bãi bỏ

Doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng có thể thở phào nhẹ nhõm nếu đề nghị này của Bộ NN&PTNT được chấp thuận.

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định bãi bỏ hàng loạt phí, lệ phí liên quan đến thú y.

Trước đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp (DN) có các hoạt động liên quan đến thú y, ngày 13-6, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã họp để rà soát, bãi bỏ một số nội dung thu phí, lệ phí trong công tác thú y được quy định tại Thông tư 04.

14 mục thu lệ phí

Cụ thể, về thu lệ phí, Bộ NN&PTNT đề nghị bãi bỏ 14 mục thu lệ phí quy định tại phụ lục 1 của Thông tư 04/2012/TT-BTC ngày 5-1-2012 (gọi tắt là Thông tư 04) gồm:

Cấp giấy chứng nhận (GCN) vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; cấp GCN kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển.

Bỏ nội dung thu lệ phí cấp GCN kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập; GCN bệnh phẩm; cấp GCN kiểm dịch vận chuyển qua bưu điện, hàng mang theo người (không phụ thuộc số lượng, chủng loại).

Đồng thời, bãi bỏ việc cấp lại GCN kiểm dịch do khách hàng yêu cầu; cấp GCN vệ sinh thú y đối với nơi tập trung động vật, sản phẩm động vật để bốc xếp; cấp GCN vệ sinh thú y; cấp GCN kết quả kiểm nghiệm thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản; cấp giấy phép thay đổi nội dung đơn hàng nhập khẩu thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản; cấp GCN phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn xét nghiệm bệnh động vật (đối với một bệnh; hạn hai năm); cấp GCN mậu dịch tự do (FSC) để xuất khẩu; cấp GCN lưu hành thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản (cấp mới, gia hạn); cấp GCN sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép lưu hành thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản (quy cách đóng gói), thay đổi nhãn sản phẩm, bao bì; cấp GCN chất lượng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y, thú y thủy sản.

Về thu phí, Bộ NN&PTNT đề nghị bỏ bốn mục thu phí phòng, chống dịch bệnh cho động vật quy định tại phụ lục 2 của Thông tư 04 gồm:

Vệ sinh khử trùng, tiêu độc; xử lý các chất phế thải động vật; tạm giữ chó thả rông bị cơ quan thú y bắt; kiểm tra việc đăng ký chó nuôi (hạn một năm).

Hàng loạt phí, lệ phí sẽ được bãi bỏ - 1

13 mục thu phí

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị bỏ 13 mục thu phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y quy định tại phụ lục 4 của Thông tư 04 gồm:

Trứng gia cầm các loại; trứng đà điểu; trứng cút; trứng tằm; tinh dịch; sản phẩm động vật pha lóc, đóng gói lại, sơ, chế biến; sừng mỹ nghệ.

Kiểm tra chất thải động vật đã qua xử lý; kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản; kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở kinh doanh giống thủy sản; vệ sinh tiêu độc trong công tác kiểm dịch.

Dán tem kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật; đánh dấu gia súc: Bấm thẻ tai đại gia súc (trâu, bò, ngựa, lừa, hươu, nai…); bấm thẻ tai tiểu gia súc (heo, dê, cừu,…); niêm phong phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Về phí trong công tác thú y, Bộ đề nghị bỏ phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật thủy sản đông lạnh; phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật thủy sản qua phơi, sấy.

Phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật thủy sản dạng lỏng, sệt; phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với các loại sản phẩm động vật thủy sản khác.

Một số ý kiến cho rằng nếu Bộ Tài chính đồng ý với việc bãi bỏ hàng loạt loại phí trên, nông dân và DN sẽ bớt gánh nặng. Mỗi con gà, quả trứng… sẽ không còn phải gánh nhiều khoản phí vô lý như lâu nay.

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 16-6 đã có bài “Gà vừa mở mắt đã còng lưng gánh phí”. Trong đó, dẫn lời các chủ trang trại, DN và nhà quản lý phản ánh nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý “đánh” lên gia cầm khiến họ bức xúc. Thậm chí gà con mới nở một ngày tuổi đã phải gánh phí; cùng một sản phẩm làm ra nhưng có thể phải đóng từ hai đến nhiều lần phí nếu phải vận chuyển bảo quản nhiều lần.

Đồng thời có thực trạng một quả trứng nhiều bộ quản, các bộ lại không có sự kết nối dẫn đến phí chồng phí làm khổ DN, người chăn nuôi…

Do vậy, nhiều người đề nghị phải bỏ các loại phí bất hợp lý, góp phần tiết giảm phí trong sản xuất nhằm tạo ra được sản phẩm có giá thành hợp lý và cạnh tranh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật thành phố)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN