Hàng lậu vẫn... sôi động
Vụ 10 container hàng lậu xuất xứ Trung Quốc lọt lưới hải quan TP HCM vào cuối tháng 12-2013 chỉ là một trong số rất nhiều vụ buôn bán hàng lậu trót lọt dịp cận Tết.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng so với các tháng trước.
Bày bán công khai
Trên địa bàn TP Hà Nội, chợ đầu mối thực phẩm là nơi tập trung nhiều hàng lậu, hàng nhập trái phép nhất, đặc biệt là các loại trái cây (táo, nho, lê...). Tại các “thủ phủ” hàng lậu như chợ Ninh Hiệp, Ngã tư Sở, Đồng Xuân, Phùng Khoang... các loại túi xách, giày dép, quần áo, thực phẩm... được bày bán công khai. Trên nhiều tuyến phố như: Hoàng Minh Giám, Đường Láng, Lê Văn Lương kéo dài, Xuân Thủy... rất nhiều giày dép, quần áo nhập lậu giá rẻ được bày tràn ra lề đường. Các chủ hàng thừa nhận hàng hóa do người quen “đánh” về từ biên giới Trung Quốc.
Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc được bán tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ảnh: HÀ PHƯƠNG
Ưu thế về giá rẻ do trốn thuế khiến hàng lậu có nhiều đất sống. “Cùng một chiếc áo phao dáng dài, nếu là hàng Made in Vietnam thì ít nhất cũng phải 400.000 - 500.000 đồng/chiếc, thậm chí hàng triệu đồng trong khi hàng Trung Quốc chỉ 130.000 đồng/chiếc nên tụi chị vẫn đắt hàng” - một người bán quần áo ở lề đường Xuân Thủy cho biết. Theo chị, hàng Trung Quốc màu sắc sặc sỡ, hoa văn nổi bật, kiểu dáng cầu kỳ, tốc độ “ăn theo” thời trang thế giới là những điểm mạnh khiến người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn, đặc biệt là người có thu nhập trung bình trở xuống.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT, thừa nhận trong tháng cuối năm 2013, tình hình buôn lậu diễn biến khá phức tạp. Ngày 11-12-2013, QLTT tỉnh Quảng Trị phối hợp Công an huyện Gio Linh kiểm tra xe tải do lái xe Trần Quang Phú (ngụ tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển, phát hiện 60.000 lon nước giải khát Redbull nhập lậu do Thái Lan sản xuất, trị giá 480 triệu đồng. Ngày 24-12-2013, QLTT TP Hà Nội phối hợp với Phòng 2 (C49 - Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an) kiểm tra và phát hiện 83 bao tải hàng hóa, gồm: hạt dẻ cười, nho khô, quả óc chó tại một kho hàng ở xóm 9, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, do ông Lâm Đình Hưng làm chủ; trọng lượng lô hàng khoảng 3,1 tấn, trị giá ước tính 1,1 tỉ đồng nhưng chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Trước đó, ngày 10-12-2013, QLTT TP HCM kiểm tra 3 điểm chứa hàng của ông Trần Văn Biên tại số 260 Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú và 2 điểm còn lại không có số nhà trên đường số 7, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân đã tạm giữ 12.110 kg vải các loại do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, trị giá khoảng trên 500 triệu đồng. Cùng thời gian này là vụ 10 container hàng lậu tại khu vực cảng VICT (cảng Sài Gòn khu vực 3) với ước tính trị giá số hàng hơn 10 tỉ đồng.
Hàng nào cũng có
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2013, cơ quan này đã bắt giữ 20.298 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính trên 551,85 tỉ đồng; khởi tố 53 vụ án hình sự.
Ngay từ tháng 10-2013, ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, chỉ thị toàn ngành tăng cường ngăn chặn buôn lậu trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Chỉ thị nêu rõ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây thất thu cho ngân sách và tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng. Nổi lên là buôn lậu vũ khí, vàng, tiền, xăng dầu, khoáng sản… và các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như hàng tiêu dùng, rượu, thuốc lá, gia cầm, thực phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng, điện tử, điện lạnh...
Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn buôn lậu tinh vi nhằm đưa hàng lậu trót lọt vào nội địa. Các thủ đoạn được phát hiện là lợi dụng khai báo trước, phân luồng tờ khai hải quan điện tử; làm giả hồ sơ, chứng từ, giả chữ ký, con dấu của cán bộ hải quan; khai báo sai tên hàng, số lượng, chất lượng, mã số hàng hóa và thuế suất; lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, lợi dụng các ưu đãi trong đầu tư gia công sản xuất xuất khẩu, chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế thương mại cửa khẩu, hàng hóa trao đổi cư dân biên giới...
Lấp kẽ hở pháp luật
Ông Lam cho rằng kẽ hở pháp luật khiến đối tượng làm ăn phi pháp có thể lợi dụng để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo ông Lam, cần thiết hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới theo hướng phát huy ưu thế đặc thù, linh hoạt và hiệu quả của thương mại biên giới; hạn chế kẽ hở để các đối tượng buôn lậu lợi dụng hợp thức hóa hàng nhập lậu. “Nên sửa đổi quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng giảm thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bày bán, để tại kho, bến, bãi xuống còn 24 giờ để các đối tượng buôn lậu không thể lợi dụng quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu” - ông Lam lưu ý thêm.
Ngoài ra, hiện có nhiều lực lượng kiểm tra dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoặc bỏ trống không kiểm tra, không ai chịu trách nhiệm. “Cần nghiên cứu xây dựng đề án nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo hướng giao một bộ chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đăng ký kinh doanh…” - ông Lam đề xuất.
Đường đi của hàng lậu Ông Đỗ Thanh Lam cho biết có 3 tuyến đường đi của hàng lậu hiện nay được đánh giá là điểm nóng. Đầu tiên, phải kể đến tuyến Việt Nam - Trung Quốc với các địa bàn trọng điểm là cửa khẩu: Móng Cái, Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn); Tà Lùng, Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Tuyến Việt Nam - Lào, chủ yếu tại khu vực giáp cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), Cha Lo (tỉnh Quảng Bình), Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Tuyến Việt Nam - Campuchia, chủ yếu qua các cửa khẩu: Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp); Tịnh Biên, Vĩnh Xương (tỉnh An Giang); Mộc Bài, Xa Mát (tỉnh Tây Ninh); Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây, khu vực Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An) và cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Tuyến nhập lậu từ Trung Quốc diễn ra khá phức tạp, hàng nhập chủ yếu là vải, quần áo, gia cầm, nội tạng động vật và pháo nổ, đồ chơi bạo lực nguy hiểm. Buôn lậu từ Lào chủ yếu là hàng điện tử, điện gia dụng, thuốc lá, đường, rượu ngoại, nước giải khát, gỗ, động vật hoang dã, ma túy. Thuốc lá, rượu ngoại, nước giải khát, đường kính... chủ yếu đưa về từ Campuchia. Th.Dương. |