Hàng lậu “khoác áo” hàng Việt tìm đường ra thị trường dịp Tết

Các mặt hàng như thực phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng... đang là tâm điểm trong dịp Tết. Đây cũng là nhóm hàng hóa được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại tìm cách khoác lên mình mác “hàng Việt” để tung ra thị trường tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Đi “đánh” hàng lậu

Cách làm của các đối tượng gian lận thương mại, buôn lậu là đặt hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... theo yêu cầu (gắn nhãn mác, chất liệu, kèm phụ kiện...) rồi tìm cách nhập về Việt Nam chuẩn bị cho dịp cuối năm. Thậm chí, một số nhập hàng về, sau đó chỉnh sửa, gắn mắc hàng Việt hoặc các thương hiệu nổi tiếng để phân phối, bán lại kiếm lời.

Tiếp cận các điểm cung ứng dịch vụ vận chuyển, PV được tư vấn rất kỹ về cách thức đặt hàng, mua bán và vận chuyển. Người tên Dũng, chuyên vận chuyển hàng từ Trung Quốc nói: “Anh cứ mua hàng, loại gì cũng được, sau đó báo cho em số lượng, sẽ có giá tốt cho anh. Hàng bên em sẽ đưa về Hà Nội cho anh, vì kho công ty em ở đây. Sau đó, anh lựa chọn đối tác đưa vào TP.HCM. Còn không thì bên em sẽ giới thiệu để anh đưa hàng vào trong đó”.

Theo đó, PV được Dũng hướng dẫn tìm các nguồn hàng tại Trung Quốc thông qua các trang mua bán online giá rẻ, tại Trung Quốc như Taobao.com, Tmaill.com, Alibaba.com, Lelefushi.com,Chenxifushi.com, Mofayichu.q88e.net... Khi chuyển cho PV, người này cũng đã “chuyển” ngôn ngữ sang tiếng Việt cho PV dễ tìm kiếm hàng hóa. Tại các trang nói trên, PV thấy có rất nhiều loại hàng hóa mà mình yêu cầu với giá cả rất rẻ.

Ngoài các loại quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện thời trang có giá rẻ như bèo, PV còn thấy đủ loại thực phẩm cung ứng dịp Tết với giá rẻ... như cho. Điển hình như mặt hàng lạp xưởng, được cho là hút hàng nhất nhì ở khu vực phía Nam, PV tìm mua cũng chỉ có giá 22 NDT/kg (tương đương khoảng 70 ngàn đồng).

Thậm chí, có nơi còn bán với giá là 15 NDT (tương đương 50 ngàn đồng/kg), thậm chí chỉ 10 NDT (khoảng 30 ngàn đồng)... Như vậy, thêm tiền công vận chuyển về Việt Nam khoảng vài ba ngàn đồng/kg, lạp xưởng Trung Quốc có giá rất rẻ mạt.

Hàng lậu “khoác áo” hàng Việt tìm đường ra thị trường dịp Tết - 1

Hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện gần đây.

Tiếp tục tìm hàng cung ứng dịp Tết, qua sự giới thiệu của một người chuyên bán hàng là hạt hướng dương, hạt dưa, bí... PV liên hệ với Tiến, người được cho là đầu mối chuyên cung cấp hàng phục vụ Tết. Biết PV là người cần nguồn hàng lớn, Tiến hẹn đến một quán cà phê cóc ở góc đường Lạc Long Quân – Âu Cơ, quận Tân Phú, TP.HCM. Khi PV đến, Tiến đã đợi sẵn. Ngay lập tức, Tiến cho biết: “Giờ cần lấy loại hàng nào: Dưa, bí, điều, hướng dương, dẻ... tất cả tôi đều có thể đáp ứng với số lượng lớn”.

Để giới thiệu thêm về các loại hạt này, Tiến nói: “Hạt dưa, bí, hướng dương... ở bên đó (Trung Quốc - PV) có đủ cả, từ loại rẻ cho tới loại đắt tiền. Nhưng anh khỏi quan tâm làm gì, chỉ cần cho tôi biết là lấy loại bao nhiêu tiền là được, còn nói ra anh cũng không biết đó là tên gì đâu. Tuy nhiên, dù giá rẻ hay đắt thì hàng đều chuẩn, bề ngoài bóng đẹp, bắt mắt, hạt đều và to”.

PV thắc mắc, loại rẻ mà cũng có hàng đẹp, đều và to sao, Tiến đáp liền: “Đương nhiên, hàng Trung Quốc mà, kiểu gì mà họ không làm được. Sở dĩ nó có giá rẻ là bởi loại này chất lượng bên trong dở hơn, ruột nhỏ, hạt hay bị bở, thậm chí còn bị mốc. Khi bóc ra ruột hay bị bể, gãy. Để bảo quản người ta đã đánh bóng cho đẹp, rồi khử hóa chất cho để được lâu hơn thôi”.

Quả thật, Tiến báo giá cũng khiến PV bất ngờ. Theo đó, hạt hướng dương có giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg hay 16 – 17.000 đồng/kg. Còn hạt dưa cũng chỉ 30.000 đồng/kg, hạt bí cũng có giá hơn 30.000 đồng/kg. “Đây là những loại hạt có bề ngoài chuẩn nhé. Ví như hạt bí có kích thước từ 8 - 10mm lận”, Tiến nói. Để làm tin, Tiến lấy ngay ảnh trong điện thoại về loại hạt này giới thiệu cho PV xem.

“Đội lốt” hàng Việt

Theo các nguồn tin cho biết, sau khi hàng từ nước ngoài về Việt Nam, các đối tượng buôn gian bán lận tìm cách đóng nhãn mác, bao bì và gắn những thương hiệu nổi tiếng trong nước hoặc là các sản phẩm của nước ngoài để tiêu thụ. Ông N.K.T., người từng phân phối hàng này cho hay, bây giờ người Việt thường chuộng hàng Việt, nhất là các loại thực phẩm, nên nhiều người buôn gian bán lận đã tìm cách lấy hàng trôi nổi, hàng nhập lậu... giá rẻ về, sau đó tìm cách phù phép biến thành hàng Việt cho dễ bán.

“Dù là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ nhưng có thể yêu cầu gắn mác là made in Vietnam cũng bình thường. Họ (ý nói các đầu nậu - PV) thường nhập nhiều container với nhiều hàng hóa, chủng loại khác nhau về mới phân ra, bỏ sỉ cho các đầu mối. Hiện nay, nơi tiêu thụ hàng này nhiều nhất chính là các chợ truyền thống, rồi các bến xe”, ông T. cho biết.

Thực tế, chiêu thức trên đã được sử dụng phổ biến. “Dù là hàng nhập từ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm lại gắn nhãn là made in Vietnam. Để qua mắt lực lượng chức năng, các lô hàng này nhập về các cảng sẽ được thay tên đổi họ, khai báo là mặt hàng khác. Đồng thời, họ còn sử dụng các công ty mới thành lập hoặc không rõ địa chỉ để nhập khẩu các lô hàng nói trên. Cách thức này khiến cho công tác đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại càng khó khăn hơn”, ông T. nói thêm.

Hàng lậu “khoác áo” hàng Việt tìm đường ra thị trường dịp Tết - 2

Đủ loại hàng không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường.

Bên cạnh đó, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cũng đã kiểm tra trên 500 cơ sở tại các chợ và tuyến đường đã phát hiện 443 cơ sở vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, hàng hết hạn sử dụng, nhãn không ghi đúng thực tế... Thậm chí có những trường hợp không có giấy phép, không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện ATVSTP, kinh doanh không đúng địa chỉ...

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Khi khai báo hải quan, các đối tượng thường khai sai tên hàng hóa nhập khẩu, trung chuyển (về số lượng, chủng loại, khai hàng hóa khác với hàng cấm...) để được ưu tiên đưa vào luồng xanh, tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn sử dụng doanh nghiệp “ma” hoặc các doanh nghiệp chuyên buôn lậu, trốn thuế. Khi thực hiện hành vi buôn lậu xong thì tiến hành phá sản, tạm dừng hoạt động, không còn tại địa chỉ kinh doanh hoặc biến mất bí ẩn...”.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Thực tế cho thấy, các dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, dẫn tới nguồn cung nhiều. Đặc biệt, các kho hàng, chợ truyền thống, điểm kinh doanh nhập nhiều hàng hóa dẫn tới khả năng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... tìm cách thẩm lậu vào thị trường tiêu thụ”.

Ông Bách cho biết thêm: “Trước thực trạng nói trên, các đội quản lý thị trường cơ động sẽ rà soát các điểm nóng để có phương án kiểm tra, xử lý kịp thời. Đồng thời sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Trong dịp Tết này, bên cạnh các mặt hàng thiết yếu, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các mặt hàng là quần áo, túi xách, giày dép... tại các chợ: Bến Thành, chợ An Đông, các bến bãi, kho hàng, điểm trung chuyển hàng hóa giữa TP và các tỉnh, thành, các siêu thị, trung tâm thương mại...”.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh Tùng (Người đưa tin)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN