Hàng lậu, hàng giả 'đổ bộ' vào trung tâm thương mại
Trong những tháng cuối năm và cận Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép diễn ra phức tạp, khó lường. Đặc biệt, hàng giả đang len lỏi vào trung tâm thương mại lớn diễn ra ồ ạt, cạnh tranh trực tiếp với hàng thật khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong mấy tháng cuối năm đang diễn ra phức tạp, với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường.
Vấn nạn này diễn ra rộng khắp trên các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế đều phát hiện tội phạm.
Trong 10 tháng, toàn ngành hải quan đã phát hiện gần 14.000 vụ vi phạm với trị giá hàng hoá gần 4.800 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ vi phạm. Trong đó, riêng Cục Hải quan TPHCM phát hiện 2.470 vụ, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.771 tỷ đồng, xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước trên 40,6 tỷ đồng (tăng 186% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố trên 50 vụ.
Đặc biệt, hiện tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Cơ quan chức năng vừa phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu tại trung tâm thương mại Sài Gòn Square
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó hơn có 12.200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Khởi tố 380 vụ, với 472 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với tình hình thực tế, số lượng các vụ việc bắt giữ còn chưa tương xứng. Tại một số địa bàn trọng điểm, hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu chưa có dấu hiệu giảm; đặc biệt buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua nền tảng thương mại điện tử có xu hướng ngày càng tăng cao ở nhiều địa bàn.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, đáng lo ngại, hiện tình trạng hàng giả len lỏi vào trung tâm thương mại lớn diễn ra ồ ạt, cạnh tranh trực tiếp với hàng thật khiến người tiêu dùng lạc vào ma trận. Điển hình, trong những ngày vừa qua, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã đồng loạt kiểm tra nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn, như: Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, Trung tâm Thương mại An Đông... phát hiện thu giữ gần chục nghìn sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép... có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia dự báo, trong những tháng cuối năm 2022, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước, nhất là tuyến biên giới đất liền Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng biển Đông Bắc, Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cảng hàng không quốc tế... sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện đơn vị xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán để ngăn chặn vấn nạn, tránh thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, dù hàng Tết đã được bày bán khá nhiều nhưng sức mua có phần trầm lắng.
Nguồn: [Link nguồn]