Hàng không rõ xuất xứ tập kết ở kho biên giới, chủ thuê người nổi tiếng livestream chốt đơn
Đa số các thương nhân tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh thành phố.
Theo Bộ Công thương, tính từ 15-12-2023 đến 14-8-2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 35.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỉ đồng.
Bộ Công Thương đánh giá tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bị quản lý thị trường tỉnh Gia Lai phát hiện. Ảnh: Tổng Cục QLTT
Theo Bộ Công Thương, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để nhập lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu ở nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng cao như thực phẩm, mỹ phẩm, thiết bị điện, thời trang.
Ở lĩnh vực thương mại điện tử, đa số các thương nhân tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh thành phố. Sau đó, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát.
Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream chốt đơn.
Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.
Trong tám tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này, phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Đối với nhóm hàng như thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí bóng cười, lực lượng chức năng phát hiện chủ yếu là hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.
Trong đó, các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này là An Giang, Long An, Lạng Sơn, Hà Nội, TP.HCM…
Thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển hoặc thuê người vận chuyển thì nay sản phẩm được trà trộn trong các kiện hàng, gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.
Nguồn: [Link nguồn]
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ở TP HCM diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt trên môi trường trực tuyến