Hàng không quá tải, quay cuồng với giá vé, hủy chuyến

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Vào dịp hè năm nay, nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không vượt mọi dự báo, tại các sân bay lớn, ngày nào cũng là “cao điểm”. Dù phải chấp nhận bỏ nhiều tiền hơn để mua vé máy bay nhưng nhiều hành khách đi chơi như bị “hành xác”, vạ vật ở sân bay do số chuyến bay chậm, hủy tăng mạnh.

Cứ 10 chuyến bay, có gần 2 chuyến chậm, hủy

Sáng 14/7, khảo sát trang bán vé của các hãng cho thấy, các chặng bay đông khách như: Hà Nội - TPHCM; Hà Nội/TPHCM - Phú Quốc/Nha Trang/Đà Nẵng; Hà Nội - Đà Lạt… giá vé từ nay tới cuối tháng 7 dao động 2-2,5 triệu đồng/chiều.

Vào những ngày cuối tuần, hoặc giờ bay thuận lợi cho việc đi lại, nhiều chuyến bay có giá vé 3 triệu đồng/chiều đi. Giá vé hiện nay gần tương đương với dịp cao điểm Tết.

“Tôi dự định cho cả nhà 5 người đi nghỉ ở Đà Nẵng trong tháng 7 này khi con đang nghỉ hè, dù đã săn vé giá rẻ cũng lên tới 4 triệu đồng/người. Nếu chọn hãng truyền thống phải xấp xỉ 5 triệu đồng/người.

Do vé máy bay quá tốn kém, gia đình tôi đành đổi sang đi nghỉ ở Hạ Long (Quảng Ninh) để bớt chi phí đi lại”, chị Phạm Thị Mai (Long Biên, Hà Nội) cho biết.

Những sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc... những ngày hè này luôn trong trạng thái cao điểm. Ảnh: NIA

Những sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc... những ngày hè này luôn trong trạng thái cao điểm. Ảnh: NIA

Người dân phải bỏ nhiều tiền hơn mua vé máy bay nếu đi lại trong dịp này, nhưng rất nhiều hành khách gặp phải tình trạng chậm, hủy chuyến bay, đặc biệt là với khách lựa chọn các chuyến bay vào chiều và tối. Chị Nguyễn Thị Linh (Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc khi kể về chuyến đi nghỉ ở Huế trở thành chuyến “hành xác” ở chặng bay về cách đây ít ngày.

Chị Linh kể: Khi đặt vé, với chiều từ Hà Nội đi vào buổi sáng, các hãng đều có chuyến bay trong giờ thuận lợi, nên chị chọn hãng uy tín. Tuy nhiên, ở chặng bay về, các chuyến bay hầu hết vé vào giờ sáng hoặc tối, duy nhất chuyến bay VJ-1566 khởi hành lúc 16 giờ, rất thuận lợi cho việc trả phòng, nghỉ ngơi và trở về, nên chị ưu tiên.

Kết thúc kỳ nghỉ tưởng trọn vẹn, nào ngờ ở chuyến bay về hãng hàng không 2 lần báo lùi giờ bay, từ 16 giờ tới 21h25, rồi 21h40 (với chuyến bay mới VJ-566), buộc chị phải trả thêm phí lưu trú khách sạn để chờ 20h ra sân bay. Tới giờ bay, khách vẫn được đưa lên máy bay ngồi nhưng là ngồi chờ thêm hơn 2 tiếng.

Sau khi ngồi chờ 2 tiếng họ được thông báo vì yếu tố kỹ thuật nên chuyến bay bị hủy. Toàn bộ khách được đưa lại xe buýt về nhà ga và sẽ bay về Hà Nội vào chuyến bay lúc 8h30 sáng hôm sau.

Khi hành khách khiếu nại, hãng thông báo chỉ bồi thường thiện chí 400 nghìn đồng/khách, không cung cấp xe và phòng khách sạn nghỉ đêm, chờ chuyến bay hôm sau.

“Cả đoàn khách lại chật vật gọi taxi vòng về TP.Huế tìm khách sạn, mất thêm một lần tiền nữa, nghỉ qua đêm chờ chuyến bay hôm sau. Khổ nhất là những gia đình có con nhỏ, vật vã ở nhà ga, trên máy bay, rồi lại về thành phố tìm nơi nghỉ lúc rạng sáng.

Quá bức xúc, tôi và một số khách yêu cầu hãng hủy vé hoàn tiền, nhưng đại diện hãng chỉ cho bảo lưu sử dụng sau. Tiền bồi thường cũng chưa biết khi nào nhận được”, chị Linh nói.

Từ đầu tháng 6 tới nay, khách hàng đi lại bằng đường hàng không tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19), nhiều sân bay quá tải, kéo theo số chuyến bay chậm, hủy chuyến tăng cao. Số liệu từ Cục Hàng không cho thấy, tháng 6 vừa qua, có 65 chuyến bay bị hủy, hơn 5,6 nghìn chuyến bay bị chậm (chiếm trên 18,4% tổng số chuyến bay trong tháng, tăng 9% so với tháng trước đó).

Do chuyến bay chậm và hủy tăng cao nên số chuyến bay đúng giờ trong tháng chỉ đạt 81% tổng số hơn 30,8 nghìn chuyến bay được thực hiện. Nguyên nhân chính của tình trạng chậm chuyến bay do máy bay về muộn. Dẫn đầu danh sách chậm, hủy chuyến là các chuyến bay của hãng Vietjet, tiếp đến là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines.

Nếu không cải thiện sẽ cắt chuyến

Hành khách bay từ Huế ra Hà Nội vạ vật trên máy bay 2 tiếng đồng hồ trước khi được đưa lại nhà ga và thông báo hủy chuyến. Ảnh: hành khách cung cấp

Hành khách bay từ Huế ra Hà Nội vạ vật trên máy bay 2 tiếng đồng hồ trước khi được đưa lại nhà ga và thông báo hủy chuyến. Ảnh: hành khách cung cấp

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng đánh giá, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng vượt mọi dự báo, cao hơn cả giai đoạn chưa có dịch COVID-19. Kéo theo số chuyến bay chậm, huỷ tăng, đặc biệt là tại Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM).

“Thử đặt mình ở vị trí hành khách, liệu có chấp nhận được không khi chỉ bay từ TPHCM đi Cam Ranh (Khánh Hoà) với 45 phút nhưng khách phải chờ tới vài tiếng đồng hồ ở sân bay. Phải xốc lại việc này,thay đổi trên tinh thần làm tốt hơn”, ông Thắng nói.

Trường hợp đã tìm mọi giải pháp nhưng số chuyến bay chậm, hủy vẫn nhiều, ông Thắng cho biết, sẽ không loại trừ khả năng phải cắt giảm chuyến bay, tương tự như cách nước Anh đang làm (hủy hàng trăm nghìn chuyến bay vì quá tải).

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, tình trạng chậm chuyến tại sân bay Tân Sơn Nhất trong tháng 6 khá nghiêm trọng. Tình trạng này do việc xếp vị trí đỗ máy bay chưa hợp lý (máy bay khởi hành trước xếp trong, khởi hành sau xếp ngoài), có máy bay chỉ lăn ra đường băng đã mất tới 20 phút; phi công chậm khởi hành…

Ngoài ra, TPHCM đang bước vào mùa mưa, có chuyến bay tới phải vòng vèo vài tiếng trên trời mới hạ cánh được, khách chờ đợi mệt mỏi, hãng tốn nhiên liệu.

Về giải pháp, ông Thắng cho biết, đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu giảm khoảng cách tối thiểu giữa các máy bay, đẩy nhanh thời gian cất/hạ cánh của từng chuyến, sắp xếp vị trí đỗ máy bay thuận lợi… “Mỗi khâu rút ngắn một chút, năng lực bay sẽ tăng lên, giảm chậm, hủy chuyến”, ông Thắng nói.

Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines khẳng định, không hãng nào muốn chuyến bay của mình bị chậm, hủy vì còn phải giữ uy tín với khách hàng.

Tuy nhiên, lượng khách bay nội địa tăng vượt xa mọi dự báo và bản thân các hãng cũng không lường hết, bị động trong lập kế hoạch bay. Hãng này cam kết sẽ phối hợp tối đa với nhà chức trách để nâng chất lượng dịch vụ, an toàn bay, giảm số chuyến bay chậm, huỷ.

Các hãng hàng không cũng nêu khó khăn hiện tại, ngoài yếu tố hạ tầng, hàng không còn thiếu nhân lực sau dịch COVID-19, giá nhiên liệu bay tăng cao (hiện quanh mốc 160 USD/thùng)...

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng không chấn chỉnh các hãng vì chậm, huỷ chuyến gây bức xúc cho hành khách, giảm chất lượng dịch vụ. Cục Hàng không được yêu cầu xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến để đưa ra giải pháp xử lý; tổ chức giám sát chặt chẽ công tác an ninh, an toàn hàng không.

Với các hãng hàng không, Bộ GTVT yêu cầu xây dựng lịch bay tăng cường vào khung giờ thấp điểm, bay đêm; thực hiện mọi giải pháp khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến, nghĩa vụ với hành khách khi chuyến bay chậm, hủy...

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) thông tin, nửa đầu tháng 7, mỗi ngày sân bay phục vụ trên 94 nghìn lượt khách (trong đó, khách nội địa trên 82 nghìn lượt). Ngày cao điểm nhất sân bay này đón trên 105 nghìn lượt khách.

Nguồn: [Link nguồn]

Chạm mốc 13 triệu đồng một vé máy bay khứ hồi nội địa, khách du lịch lập tức hủy chuyến du lịch ngày hè

Vé khứ hồi chuyến bay Hà Nội – Phú Quốc có giá dao động 2.459.000 -7.156.000 đồng/vé. Riêng ghế thương gia với chuyến bay Hà Nội – Côn Đảo có giá hơn 9,4 triệu đồng và chặng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN