Hàng không phục hồi, sao giá vé máy bay vẫn cao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Các hãng hàng không nội địa vừa đồng loạt công bố tình hình hoạt động quý 3 và lũy kế 9 tháng của năm nay. Thực tế đã có nhiều tín hiệu khả quan (bắt đầu có lãi). Tuy nhiên, với nguồn lực đã “cơ bản cạn kiệt”, các hãng khuyến mại, giảm giá vé nội địa ngày càng ít, đặc biệt là vào dịp cao điểm.

Hàng không cạn nguồn lực, giảm ưu tiên bay nội địa nên giá vé bay trong nước cao. Ảnh: H.Việt

Hàng không cạn nguồn lực, giảm ưu tiên bay nội địa nên giá vé bay trong nước cao. Ảnh: H.Việt

Tín hiệu khả quan

Báo cáo tài chính quý 3/2023 và lũy kế 9 tháng của Vietjet cho thấy, trong 9 tháng của năm 2023, hãng đạt doanh thu thuần hơn 43,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng khách quốc tế của hãng vận chuyển tiếp tục tăng, 9 tháng đã chuyển hơn 5,9 triệu lượt khách quốc tế. Vietjet đã nâng số máy bay khai thác lên 103 chiếc. Với thị trường quốc tế, Vietjet đã tập trung khai thác nhiều thị trường mới và tăng số đường bay, như mở 5 đường bay kết nối Việt Nam - Australia, các đường bay với Ấn Độ… hiện hãng này khai thác 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay nội địa. Riêng trong quý 3/2023, khách quốc tế đang góp hơn 57% tổng doanh thu và 35% lượt khách của hãng.

Tương tự, Vietnam Airlines cũng công bố nhiều thông tin khả quan sau 9 tháng của năm nay. Riêng quý 3/2023, hãng này đạt doanh thu hơn 23,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 8 liên tiếp doanh thu của hãng tăng, nhờ đó hãng đã có lãi gộp hơn 1,2 nghìn tỷ đồng trong quý. Lũy kế 9 tháng của năm nay, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu hơn 68 nghìn tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ năm trước, lãi gộp hơn 4,1 nghìn tỷ đồng (trái ngược con số lỗ gần 1,8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, doanh thu từ các đường bay quốc tế cải thiện đáng kể nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt, dù thị trường nội địa có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, hãng cũng áp dụng một số giải pháp để giảm chi phí, giảm giá dịch vụ nên mức lỗ hợp nhất tiếp tục giảm so với các năm trước.

Cạn nguồn lực

Dù đã có một số tín hiệu khả quan từ báo cáo tài chính của các hãng hàng không nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Điển hình như giá nhiên liệu bay, hiện tại (khoảng 114 USD/thùng) cao gần gấp đôi giá của giai đoạn trước khi có dịch COVID-19. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, lũy kế 9 tháng năm 2023, sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, hãng vẫn lỗ hợp nhất sau thuế hơn 3,5 nghìn tỷ đồng. Số lỗ tuy vẫn còn nhưng đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ giảm lỗ từ hoạt động vận tải hàng không của hãng Vietnam Airlines và Pacific Airlines.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, kết quả kinh doanh 9 tháng đã có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng còn không ít khó khăn phía trước. Đặc biệt, thị trường quốc tế trọng điểm của hãng phục hồi chậm (như khu vực Đông Bắc Á), trong khi thị trường nội địa giá dầu, tỷ giá đều ở mức cao… nên hãng chưa cân bằng được thu - chi. Hãng đặt mục tiêu, từ năm 2024 sẽ cân đối được thu - chi.

Trong bối cảnh khó khăn chung của hàng không, cũng như các vấn đề nội tại, Bamboo Airways đã và đang bắt tay vào tái cơ cấu. Mới đây, hãng này đã thông báo điều chỉnh mạng đường bay giai đoạn từ nay tới cuối tháng 3/2024. Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, Bamboo Airways đã tạm dừng khai thác đường bay với Anh, Hàn Quốc; trong tháng 11 này dừng thêm các đường bay kết nối với Australia, Đức, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản. Hãng này cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách đã mua vé đường bay tạm dừng khai thác. Các đường bay khác, Bamboo Airways vẫn khai thác bình thường, đảm bảo dịch vụ khách hàng.

Để vượt qua khó khăn, trong quý 3/2023, Vietjet đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với 3 nhà đầu tư trong nước cam kết đầu tư 100 triệu USD cho hãng. Nguồn tài chính này sẽ bổ sung cho kế hoạch phát triển của hãng. Dự kiến, các giao dịch đầu tư này sẽ được hoàn tất trong cuối năm nay. Vietjet cũng vừa công bố kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 3 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng. Khoản tiền thu được, hãng dùng để trả các chi phí như xăng dầu, dịch vụ mặt đất, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc máy bay và các chi phí khác.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 của Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều nợ ACV (chưa thanh toán các chi phí sân bay). Cụ thể, Vietnam Airlines nợ hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, Vietjet nợ hơn 3,4 nghìn tỷ đồng, Bamboo Airways nợ hơn 2 nghìn tỷ đồng, Pacific Airlines nợ hơn 800 tỷ đồng, Vietravel Airlines hơn 200 tỷ đồng…

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đề án, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, hãng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất. Lãnh đạo tổng công ty này tin tưởng, hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Một chuyên gia hàng không cho biết, việc các hãng hàng không rơi vào khó khăn, đã gây ra những thiệt thòi nhất định cho hành khách, đặc biệt giá vé bay nội địa. Các năm trước (không kể giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19), với nội lực sẵn có và cạnh tranh, các hãng thường tung nhiều đợt khuyến mại giá vé nội địa, đặc biệt là vào giai đoạn thấp điểm (sau Tết nguyên đán, mùa Thu). Tuy nhiên, năm nay, các đợt khuyến mại hay giảm giá vé máy bay nội địa rất ít, kể cả giai đoạn thấp điểm. Trước đây, tháng 11 là giai đoạn thấp điểm, vé máy bay nội địa khuyến mại dưới 1 triệu đồng/chiều tràn ngập, nhưng năm nay khách phải bỏ ra từ 1,5 - 2 triệu đồng/chiều trở lên mới được bay. Với giai đoạn cao điểm như dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân cũng khó kỳ vọng có vé máy bay giá rẻ. Những chặng và chiều đông khách dịp Tết sắp tới như từ TPHCM ra Bắc trước Tết và ngược lại dịp sau Tết, giá vé máy bay xấp xỉ 4 triệu đồng/chiều trở lên (khứ hồi từ 8 đến10 triệu đồng/vé).

Cũng theo chuyên gia này, giá vé máy bay nội địa neo ở mức cao một phần do chi phí nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất, giá thuê máy bay… tăng; Phần khác do các hãng đã cạn nguồn lực sau 3 năm chống chọi với khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Vậy nên, không còn nhiều nguồn lực cho tăng tần suất bay và khuyến mại, giảm giá vé hút khách nội địa. Trong khi đó, đường bay quốc tế mới đóng góp chính về doanh thu và lợi nhuận cho các hãng.

Dù khách quốc tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng, song các hãng vẫn phải cố bay để giữ giờ cất/hạ cánh (slot truyền thống - PV) ở các sân bay nước ngoài để chuẩn bị cho hoạt động vào những năm tiếp theo. Thực tế này dẫn tới các hãng phải cắt giảm bay nội địa, duy trì và tăng cường bay quốc tế, ưu tiên khuyến mại trên các đường bay quốc tế thay vì bay nội địa, vì dù có khách hay không các hãng vẫn phải duy trì đường bay quốc tế”, vị chuyên gia trên nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất giá vé xe buýt Hà Nội tăng cao nhất 122%

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh cả giá vé xe buýt tháng và lượt, trong đó mức tăng cao nhất lên đến 122%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ HỮU VIỆT ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN