Hàng hóa tết: Quá nhiều loại không rõ xuất xứ

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Càng cận kề Tết Nguyên đán 2014, lượng hàng hóa phục vụ tết được tung ra thị trường ngày càng phong phú về chủng loại và giá cả. Tuy nhiên, đồng nghĩa với nó là những dấu hỏi lớn về chất lượng.

Hàng khô “chợ trời”

Mấy ngày nay, tại các chợ đầu mối và chợ lớn ở TP.HCM như Bình Tây, Bà Chiểu, Bến Thành, Tân Định,… đã bắt đầu bày bán các mặt hàng tết như tôm khô, mực, bò, cá khô, lạp xưởng. Hầu hết sản phẩm được chế biến dưới dạng thực phẩm ăn liền nhưng không có nhãn mác, nguồn gốc. Chị Thanh Thủy ở quận Bình Thạnh cho biết, chị đi chợ Bà Chiểu có thấy nhiều loại tôm khô bày bán với giá từ 400.000 – 1.000.000 đồng/kg tùy loại lớn nhỏ. Tuy nhiên chị không dám mua vì không rõ nguồn gốc. “Người bán thì chỉ nói được là hàng tuyển từ Cà Mau nhưng không chứng minh được xuất xứ. Còn mấy cái loại khô bò, khô mực thì gia đình càng tuyệt đối tránh xa vì có tẩm nhiều loại gia vị, hóa chất mà chỉ có trời mới biết có độc hại hay không?” – chị Thủy lý giải.

Phần nhiều các mặt hàng đồ khô ở chợ Bà Chiểu và nhiều chợ khác được tẩm ướp gia vị có màu sắc lòe loẹt hơn so với màu nguyên thủy của sản phẩm. Người mua không thể biết được hàng mới hay cũ, sản xuất từ bao giờ, còn hạn sử dụng hay không. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, việc chấp hành ghi nhãn hàng hóa còn vi phạm nhiều, tập trung ở các mặt hàng giá rẻ, kinh doanh ở chợ đầu mối. Vì thế việc ghi nhãn phụ gia, nhãn hàng đến từng đơn vị bán lẻ càng có nhiều vi phạm.

Hàng hóa tết: Quá nhiều loại không rõ xuất xứ - 1

Càng cận kề Tết Nguyên đán 2014, lượng hàng hóa phục vụ tết được tung ra
thị trường ngày càng phong phú

Trong khi đó, tại chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội ) hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán như thực phẩm khô, bánh mứt kẹo... hiện cũng đã tràn ngập chợ. Các quầy hàng đang chào bán rất nhiều chủng loại nhưng phần lớn đều không có xuất xứ, nhãn mác. Thậm chí giá cả cũng đủ loại để người tiêu dùng lựa chọn. Giá nào cũng có. Chẳng hạn, theo khảo sát của phóng viên, giá măng lưỡi lợn 230.000 đồng/kg, măng vầu búp 220.000 đồng/kg; măng mầm loại ngon 260.000 đồng/kg. Tương tự, một số loại nấm như: Nấm hương rừng 330.000 đồng/kg, nấm trắng loại 2 có giá 380.000 đồng/kg, loại 1 giá 480.000 đồng/kg...

Chất lượng thả nổi!

Theo quan sát của phóng viên, hiện lượng người đổ về chợ Đồng Xuân chủ yếu là tiểu thương ở các tỉnh xa. Người tiêu dùng lẻ chưa nhiều do lo ngại chất lượng hàng hóa bán tại chợ. Dạo một vòng quanh chợ có thể thấy các loại bánh, mứt, kẹo được bày bán đều được đóng trong túi nylon lớn, không có nhãn mác, thường bán sỉ, bán lẻ cho khách mua theo cân với giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước. Một số hộ kinh doanh bánh mứt kẹo Trung Quốc đã đóng gói hàng vào các túi nylon nhỏ, in kèm nhãn mác các cơ sở sản xuất không có thật để vào bên trong bao bì sản phẩm, mục đích để biến hàng nhập lậu thành hàng nội.

“Người dân hay có tâm lý để cận Tết mới mua sắm nên dễ bị mua đắt. Vì thế, cần cân nhắc để lựa chọn sắm tết cho mình vào thời điểm phù hợp, để có giá cả và chất lượng tốt”. Bà Vũ Thanh Thủy - Phó Phòng quản lý chợ Đồng Xuân

Một tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Xuân cho biết hầu hết sản phẩm quần áo là hàng Quảng Đông (Trung Quốc) nhập qua đường tiểu ngạch. Họ chỉ nhập quần áo mùa đông hàng Trung Quốc loại 2, loại 3 (loại chất lượng kém hơn – PV), giá bán lẻ từ 150.000 – 200.000 đồng/chiếc. Có thể thấy, trong cơ cấu hàng hóa phục vụ tết tại chợ Đồng Xuân, hàng không rõ xuất xứ chiếm đến 60 -70%. Đặc biệt là đồ khô, ô mai, mứt.

Ông Đỗ Xuân Thủy-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, đơn vị quản lý chợ cũng khẳng định: “Là chợ đầu mối lớn nhất, giữ vai trò quan trọng đối với hệ thống bán lẻ ở khu vực các tỉnh thành phía Bắc, nhưng hàng hóa ở chợ chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh - Mai Hương
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN