Hàng hóa tăng phi mã theo giá xăng, dầu

Giá xăng lập kỷ lục gần 31.000 đồng/lít từ ngày 23/5 gây áp lực rất lớn đến mặt bằng giá cả.

Người dân phải lo “thắt lưng buộc bụng”, doanh nghiệp (DN) bạc đầu vì mọi chi phí đầu vào đều tăng…

Giá xăng, dầu đạt kỷ lục, hàng hóa đều “đội” giá theo. Ảnh: Tạ Hải

Giá xăng, dầu đạt kỷ lục, hàng hóa đều “đội” giá theo. Ảnh: Tạ Hải

Doanh nghiệp, người dân lo chắt bóp

Vừa khôi phục kinh doanh khoảng vài tháng, lượng khách cũng tăng khoảng 70% so với thời trước dịch nhưng mấy ngày nay chị Hằng, chủ quán bún ngan trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thấp thỏm lo âu khi giá đầu vào “cái gì cũng tăng theo giá xăng”.

Chị Hằng cho biết, một bát bún ngan hiện đã nâng giá bán lên 35.000 đồng, tăng 5.000 đồng.

“Đây là mức tăng bù chi phí, chứ thật lòng khó tính toán được lỗ, lãi khi giá đầu vào tăng mạnh, lượng khách dự báo cũng sẽ giảm nếu giá xăng cứ giữ mức cao”, chị Hằng nói.

Bày tỏ lo lắng khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao từ đầu năm, nhất là hiện đã lên mức kỷ lục chưa từng có, chị Nguyễn Thị Hậu (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trăn trở: “Cuộc sống gia đình phần nào bị đảo lộn. Hiện tôi phải lập sổ thống kê chi tiêu hàng ngày và chỉ chi cho những khoản cần thiết như xăng xe và đồ ăn. Vậy mà trung bình mỗi ngày các khoản chi tiêu của gia đình tôi đã tăng thêm hơn 70.000 đồng.

Đơn cử, trước đây, tiền xăng mỗi tuần chỉ hết khoảng 60.000 - 70.000 đồng, nay phải chi khoảng 120.000 - 140.000 đồng. Mỗi lần đi chợ, cũng phải chi thêm ít nhất khoảng 30% do đội giá”.

Ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, không chỉ các loại rau củ quả tăng giá đột biến mà cả những mặt hàng ít biến động, hay bình ổn cũng lũ lượt tăng giá.

Cụ thể, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt, tăng 1.500 - 2.000 đồng so với trước đó.

Thịt gà công nghiệp ở mức 60.000 - 90.000 đồng/kg; giá dầu ăn 45.000 - 80.000 đồng/lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với năm ngoái.

Không chỉ ảnh hưởng dân sinh, giá xăng tiếp tục tăng cao là bài toán đau đầu đối với DN. Ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Xuất nhập khẩu Trần Quốc chia sẻ, chi phí vận tải đã đồng loạt tăng tiếp sau khi giá xăng tăng.

Theo ông, nếu nhà chức trách không can thiệp nhanh, dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực bởi xăng, dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng, dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, giá gas trong nước biến động theo giá xăng, dầu và giá gas thế giới...

Chúng ta kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng (CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước) là vì sức mua của người tiêu dùng yếu nên cộng đồng DN chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để không tăng giá bán sản phẩm.

Chủ quan sẽ trả giá?!

Mặc dù lạm phát trong 4 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng theo TS. Nguyễn Bích Lâm, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

Sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm tới 50,98%.

Bên cạnh đó là sự đứt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine chưa khắc phục được. Điều này đẩy giá nguyên, nhiên, vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây.

TS. Cấn Văn Lực dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022 - 2023. Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng 5,5 - 6%. Ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 - 2023 chỉ tăng trưởng 4,5 - 5%. Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraine.

“Giá nguyên, vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2% làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Rủi ro nhập khẩu lạm phát không tránh khỏi khi các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới”, ông Lâm nói.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lúc này chưa nói lên sức nóng của giá cả. Tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng, dầu đã lan vào giỏ thực phẩm, mâm cơm của người dân và chưa dừng ở đó.

Ông Ngân phân tích: “Việt Nam đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là 4% nhưng khi lạm phát tăng cao hơn sẽ gây sức ép tăng lãi suất, khi đó toàn bộ bài toán chi phí của mọi nhà, mọi doanh nghiệp, đất nước bị đảo lộn, sự ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng để có sự thịnh vượng, bị đe dọa”.

Bởi vậy, theo ông Ngân, cần phải chủ động từ xa để hạn chế thấp nhất tình trạng giá chuyển từ nóng sang sốt.

“Chúng ta cần kiên trì mục tiêu giải vây áp lực tăng giá, trong đó có hạ nhiệt đà tăng giá xăng dầu, không để người dân, doanh nghiệp “ngụp lặn” trong cơn sốt giá, bởi chúng ta vẫn còn “thuốc” để giải nhiệt giá xăng, dầu”, ông Ngân nói và cho biết, còn 50% thuế môi trường (tương ứng 2.000 đồng/lít), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...

“Đừng để lạm phát cao hành hạ người dân, làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Ngân nói và cho rằng, cần chi thêm nguồn lực để giải vây giá xăng, dầu.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

“Với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng”, ông Thịnh nói và phân tích, mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã được giảm 50%, nhưng giá xăng, dầu thế giới vẫn cao, trong khi việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát thị trường, người tiêu dùng không được hưởng lợi.

Chiều 23/5, giá xăng RON 95 đã lên ngưỡng 30.650 đồng/lít, sau khi tăng 670 đồng; mỗi lít xăng E5 RON 92 lên 29.630 đồng, sau khi tăng 680 đồng.

Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới 10 ngày qua có nhiều biến động lớn. Nguồn cung chịu ảnh hưởng từ cấm vận với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp.

Các yếu tố này đẩy giá xăng thành phẩm tăng cao. So với tuần trước, giá xăng RON92 - loại dùng pha chế E5 RON92 tăng thêm hơn 3,2% mỗi thùng, RON 95 tăng 3,6%.

Dù vậy, đà tăng này dự báo còn tiếp diễn khi giá dầu thế giới liên tiếp tăng trong những ngày qua.

Nguồn: [Link nguồn]

Trái cây miền Tây vào mùa lại “rớt giá, dội chợ”, sầu riêng 40.000/kg vẫn ế

Giá bán trái cây giảm thê thảm, trong khi giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao đã khiến các nông hộ điêu đứng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN