Hàng hóa tại chợ và siêu thị ê hề không lo thiếu, chỉ sợ không có người mua
Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hàng hóa, thực phẩm, củ quả dồi dào, phong phú, giá cả ổn định nhưng sức mua giảm đi nhiều.
Tại chợ Trần Quốc Hoàn, Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) buổi sáng, từ hàng rau xanh tới hàng cá, lợn, thịt bò, trứng… hàng hóa vẫn đầy ắp, bày kín khắp gian hàng.
Chị Phương (Ba Vì, Hà Nội) kinh doanh rau củ tại chợ tạm Trần Quốc Hoàn cho biết, nhà chị có hơn 5 sào trồng rau các loại. Sáng nào chị cũng cắt rau đem về chợ này bán, ngoài ra còn nhập cho các bếp ăn, cửa hàng.
Nguồn cung hàng hóa tại các chợ rất dồi dào
“Tôi trồng đủ các loại rau củ như bắp cải, su hào, cà rốt, củ cải, hành lá, cải cúc… Sắp tới các loại rau ăn lá như rau dền, rau mồng tơi, rau muống cũng cho thu hoạch. Cứ hết lứa rau này thì lại rồng lứa rau mới”, chị Phương nói.
Đợt này, thời tiết thuận lợi nên rau xanh phát triển tốt, sản lượng cao, bà con lại trồng nhiều nên nguồn rau rất dồi dào.
Hiện giá cả mặt hàng rau củ đã giảm hơn so với cách đây 1 tuần. Cụ thể su hào còn 4.000 đồng/củ, bắp cải 15.000 đồng/kg; cà rốt, củ cải, bí xanh đồng giá 15.000 đồng/kg; rau lang, rau dền, rau mồng tơi 3.000 đồng/mớ, rau cải cúc 4.000 đồng/mớ, cà chua 25.000 đồng/kg.
Lo ngại dịch bệnh nên sức mua tại chợ giảm
“Giờ người dân hạn chế ra chợ nên buôn bán cũng chậm hơn, tôi hầu như là chỉ bán được cho khách quen. Chỉ có ngày 7/3 vừa rồi là cháy hàng vì mọi người mua nhiều nhưng ngay ngày hôm sau thì rau xanh ê hề không ai mua. Rau không bao giờ sợ thiếu chỉ sợ không có người đi chợ mua thôi”, chị Phương nói.
Còn chị Bình, kinh doanh thủy hải sản tại chợ Nghĩa Tân cũng cho hay, các mặt hàng cá nước ngọt hiện rất dồi dào, giá đã giảm hơn so với trước. Chẳng hạn cá tầm có đợt khan hiếm, giá từ 170.000 vọt lên 220.00- 250.000 đồng/kg, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch virus corona, hàng Trung Quốc không nhập về được, còn cá tầm trong nước thì cung không đủ cầu nên giá tăng. Tuy nhiên, hiện nay, cá tầm đã về mức bình thường 180.000-190.000 đồng/kg, cá trắm cắt khúc giá 110.000 đồng/kg, cá lăng 90.000 đồng/kg, cá quả 70.000 đồng/kg, cá diêu hồng 50.000 đồng/kg.
Chị Bình cho biết, nguồn hàng ổn định, người dân không còn tâm lý tích trữ nên không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Thậm chí, thời điểm này người bán phải ngồi ngóng khách tới mua.
“Chúng tôi bán lẻ là phụ, còn bán buôn cho các nhà hàng là chính nhưng đợt này hàng quán nghỉ nhiều nên giờ chỉ chờ khách lẻ tới mua”, chị Bình nói.
Còn chị Mai kinh doanh gia cầm tại chợ cho hay, gà ta ngon chị nhập từ Hòa Bình, nguồn cung không thiếu nên khách hàng cứ yên tâm. So với một tuần trước, giá gà đã giảm 10.000 đồng/kg. Cụ thể gà mái từ 120.000 đồng/kg giảm xuống còn 110.000 đồng/kg; gà trống từ 130.000 giảm còn 120.000 đồng/kg.
Tại các quầy hàng thịt lợn, thịt bò cũng tương tự. Hàng hóa ê hề, giá giảm nhưng lại vắng khách mua. Đơn cử thịt ba chỉ hiện chỉ còn 160.000 đồng/kg, thịt mông 140.000 đồng/kg, sườn còn 180.000 dồng/kg.
“Đợt vừa rồi mọi người mua nhiều thịt lợn, chắc đến nay vẫn chưa ăn hết nên thịt lợn ế lắm”, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho hay.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa dồi dào cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh.
Với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản. Bên cạnh đó, chúng ta đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ như đường, sữa, dầu ăn… nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản, năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tại các hệ thống siêu thị đều tăng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định. Đồng thời đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu của người dân khi phòng dịch.
Còn tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào, tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh. Trước tình hình sụt giảm, một số tiểu thương cũng đã chuyển sang hình thức bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách.
Theo số liệu từ các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu của cả nước trong năm 2020 về lương thực, ước đạt 26 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu 19-20 triệu tấn, nên dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.
Về mặt hàng thịt gia súc gia cầm, ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.
Còn mặt hàng rau quả với diện tích rau sản xuất 960 nghìn ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Hiện giá bán đang ở mức cao dù cách đây vài thập kỷ tưởng chừng chúng không còn tồn tại.
Nguồn: [Link nguồn]