Hàng hiếm ở “vương quốc” na Lạng Sơn
Sau một thời gian bị “thất sủng” do đỏng đảnh trong khâu chăm sóc, vận chuyển, giờ đây na bở lại thuộc diện hàng hiếm ở “vương quốc” na Lạng Sơn.
Do khó tính trong khâu chăm sóc, vận chuyển đi xa dễ bị dập nát nên mấy năm gần đây, người dân Lạng Sơn chuyển dần diện tích na bở sang trồng na dai. Chính vì vậy, na bở bây giờ trở thành hàng “hiếm có khó tìm”, giá đắt gấp rưỡi, gấp đôi na dai.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt tại Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018 tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ Đoàn chuyên trách của Đoàn Thanh niên huyện Chi Lăng cho biết, diện tích na bở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giảm đáng kể so với trước đây.
Tại Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng tại Hà Nội, ngay trong buổi đầu tiên, những trái na bở được người tiêu dùng mua hết. Ảnh: AT.
Nguyên nhân khiến diện tích na bở giảm là do khi chín na dễ bị nứt, dập nát, khó vận chuyển. Khâu chăm sóc na bở cũng khó hơn na dai, ví dụ như thụ phấn cho na bở tỷ lệ đậu trái chỉ đạt 50-60%, trong khi nếu thụ phấn cho na dai có thể đạt 98% nên năng suất na bở không cao.
Chính vì vậy, các nhà vườn dần thay thế bằng loại na dai với ưu điểm ngọt đậm, dai bùi, ít hạt, múi na to, dễ bóc vỏ và để được dài ngày.
Theo chị Huệ, do diện tích na bở không còn nhiều nên một vài vụ gần đây, na bở được các thương lái săn lùng với giá khá cao. “So với na dai, giá na bở thường cao hơn khoảng 20 – 30%” – chị Huệ nói.
Ngay tại hội chợ, nếu như na dai loại to có giá khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg thì na dai loại “khủng” giá lên tới 100.000 đồng/kg mà cũng rất ít hàng.
Trong khi na dai thì hàng lúc nào cũng nhiều và có sẵn. Ảnh: AT.
Được biết, na bở vỏ mỏng, ăn mát, bổ và đặc biệt có vị ngọt thanh rất dễ chịu, không gây cảm giác ngán. Thêm nữa, theo tìm hiểu na bở có chứa vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin cùng khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
“Nếu so sánh thì na bở ăn nhiều bột, bổ dưỡng hơn na dai nhưng độ ngọt thì na dai lại ngọt đậm hơn” – chị Huệ cho biết.
Cũng theo chị Huệ, hiện nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tính đến việc khôi phục diện tích na bở bằng cách trồng xen trong vườn.
Điển hình như mô hình của đoàn viên Hoàng Ánh Dương (huyện Chi Lăng), với 500 cây na bở trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi vụ, trừ chi phí nhà vườn thu lãi 150 triệu đồng.
Na bở bỗng trở thành hàng hiếm, giá cao gấp 4-5 lần na dai vẫn được người tiêu dùng lùng mua từng quả.