Hàng giả, hàng nhái lũng đoạn thị trường

Hàng giả, hàng nhái sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển của nền kinh tế.

Hàng giả, hàng nhái sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng

Hiện nay, trên thị trường, lượng hàng giả, hàng nhái không chỉ được nhập lậu từ nước ngoài về do cơ chế lưu thông hàng hóa thông thoáng của nhà nước ta, mà còn do một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và thậm chí không ít doanh nghiệp Việt Nam trắng trợn “ăn theo” thương hiệu, làm cho thị trường ngày càng rối loạn. Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái còn làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như thiệt hại về kinh tế đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông  Đỗ Thanh Lâm – Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đã cố gắng hết sức, dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn nhưng cho đến nay, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái của Cục vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu do lực lượng cán bộ QLTT tại các địa phương hiện còn quá mỏng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong khi đó, phương thức thủ đoạn của các đối tượng, doanh nghiệp làm ăn phi pháp này ngày càng tinh vi. Ông cho biết, hiện nay việc gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái sử dụng những thiết bị công nghệ cao, có dấu hiệu móc nối với nước ngoài ngày càng tăng mạnh, nhiều sản phẩm được làm giả y hệt như thật, nếu không được đào tạo bài bản về khả năng nghiệp vụ thì khó lòng phát hiện ra.

Hàng giả, hàng nhái lũng đoạn thị trường - 1

Lực lượng QLTT của chi cục QLTT TP.HCM kiểm tra các cơ sở sản xuất, tiêu thụ mũ bảo hiểm dởm

Một vài vụ việc điển hình bị cơ quan QLTT phát hiện bắt giữ cho thấy tính phức tạp của nạn sản xuất, buôn bán hàng giả: Ngày 9/5/2012, Đội QLTT cơ động số 17 phối hợp phòng An ninh kinh tế, Công an TP. Hà Nội kiểm tra, bắt quả tang vụ sản xuất phân bón NPK giả tại xưởng sản xuất của Công ty CP Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp (tại khu tập thể Công trình đường thuỷ 1, thôn 3 xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, số phân bón tổng hợp NPK thành phẩm giả bị phát hiện khoảng 60 tấn. Qua kiểm nghiệm thực tế, các mẫu phân bón giả nêu trên có các thành phần cơ bản chính không đạt yêu cầu như trên vỏ nhãn bao bì mà thành phần chủ yếu là bột đá vôi. Vụ việc đã được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Tháng 3/2013, Đội QLTT số 8 phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Thúy Thắng kinh doanh hạt giống lúa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính 45.000.000 đồng đối với Doanh nghiệp tư nhân Thúy Thắng, tịch thu 1280 kg hạt giống lúa vi phạm trị giá 30.720.000đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh 90 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực....

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Phát biểu tại buổi hội thảo khoa học “Chống hàng nhái, hàng giả bảo vệ thương hiệu và bảo vệ người tiêu dùng” sáng ngày 18/7, ông Bùi Văn Quyền – Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng, việc phòng chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là việc làm để bảo vệ bản thân mà còn là bảo vệ xã hội, bảo vệ nền kinh tế trước sự lũng đoạn của các mặt hàng kém chất lượng. Do đó, nếu muốn đẩy lùi một cách có hiệu quả nạn hàng giả, hàng nhái thì cần có sự chung tay, góp sức của nhiều người, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến chính những người tiêu dùng.

Theo ông, nếu doanh nghiệp đầu tư vào Khoa học Kỹ thuật để cho ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao thì các đối tượng làm giả sẽ khó khăn trong việc bắt chước, tất yếu sẽ dẫn đến việc hàng giả, hàng nhái giảm xuống. Thêm vào đó, doanh nghiệp chính là chủ thể đi đầu trong việc chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái bởi chính doanh nghiệp mới là người phát hiện ra sản phẩm của mình có bị làm giả hay không.

Theo ông Đỗ Thanh Lâm, thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước với hơn 600 Đội QLTT tại 63 Chi cục cũng đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai nhiều hoạt động, thực hiện nghiêm chủ trương chống hàng giả, hàng nhái của Chính phủ. Chỉ từ năm 2007 đến nay, số vụ kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT chiếm 42,6%, trị giá hàng hóa tịch thu chiếm 42,7%  tổng số các vụ kiểm tra và trị giá hàng giả, hàng nhái do các lực lượng chức năng tịch thu. Bên cạnh đó, do nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, yêu cầu cần phải có những chỉ đạo, chủ trương đồng bộ, quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, Ngành có liên quan.

Chia sẻ về vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, ông Phạm Quốc Toản – Phó chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí là cơ quan thông tin, bình luận có sức lan tỏa lớn để người tiêu dùng hiểu rõ mức độ nguy hại của việc sử dụng hàng giả, hàng nhái trong đời sống hàng ngày.

Thông qua các hoạt động điều tra của mình, các cơ quan báo chí đồng hành cùng với các cơ quan chức năng, vạch trần, đưa ra ánh sáng những tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế sản xuất hàng hóa của xã hội. Điều này đòi hỏi một sự dấn thân, bản lĩnh chính trị vững vàng, giúp người làm báo vượt qua mọi cám dỗ, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tính riêng năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã phát hiện, xử lý 13.101 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính 53.833.971.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 27.429.949.000 đồng. Quý I năm 2013, phát hiện, xử lý: 3.115 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 13.551.859.000 đồng; trị giá hàng vi phạm 13.120.460.000 đồng. Trong đó, các mặt hàng giả, kém chất lượng bị thu giữ có số lượng lớn như mỹ phẩm, thực phẩm, rượu, đồ điện tử, phân bón, các loại nhãn, bao bì…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN