Hàng giả, hàng nhái livestream bán ầm ầm nhưng khó xử lý
Các cơ quan chức năng thừa nhận, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng trên kênh phân phối online rất khó khăn.
Mật ong giả doanh thu cả trăm triệu mỗi tháng
Ngày 10/6, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra cơ sở sản xuất mật ong ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, phát hiện và thu giữ 2.000 lít mật ong được làm từ đường, nha và nước cốt mạch. Số mật ong giả được bán với giá 99.000 đồng/lít trên Facebook, chốt hàng nghìn đơn hàng, doanh số lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Trước đó, khoảng tháng 4/2022 lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt kiểm tra 5 kho hàng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn thu giữ khoảng 12 000 sản phẩm các loại có dấu hiệu vi phạm, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Kenzo,… Số hàng trên được buôn bán qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
Lực lượng QLTT Thanh Hóa kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc bán hàng giả, hàng nhái qua kênh online bị phát hiện thời gian qua. Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng. Qua đó các hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê nhìn nhận, thương mại điện tử không cố định một nơi, mà ở nhiều quốc gia, xuyên biên giới; hàng hóa phân tán nên khó xác định… Không ít đối tượng mở gian hàng, giảm giá, khuyến mại để bán nhiều loại hàng lậu, hàng giả; khi hết chương trình, gian hàng cũng biến mất. Ngoài ra, một số sàn thương mại điện tử chưa chặt chẽ ở khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa, bỏ lọt nhiều loại hàng giả, hàng nhái…
Đẩy mạnh gian hàng Việt trực tuyến
Việc chủ động nắm thông tin, phát hiện vi phạm trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, đầy đủ thông tin, giấy tờ nhưng khi giao hàng thì tráo hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Cục cũng sẽ phối hợp các cơ quan, địa phương để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản xuất và triển khai gian hàng Việt trực tuyến quốc gia trên sàn thương mại điện tử để người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm hiệu quả...
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến tích cực tham gia các chương trình hội thảo, tọa đàm để kêu gọi khuyến khích doanh nghiệp, người tiêu dùng chung tay sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn...
Thương mại điện tử (TMĐT) đang nổi lên như một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2021, TMĐT Việt Nam có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online. Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển TMĐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.
Tổ công tác Liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang vừa phối hợp với lực lượng chức năng, phát hiện, tạm giữ một xe tải vận chuyển gần 16 tấn thịt, sườn và lưỡi heo...
Nguồn: [Link nguồn]