Hàng giả, hàng nhái, buôn lậu là tội ác
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổiTọa đàm về Xây dựng và Bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 20-6.
Doanh nghiệp than hàng giả, hàng nhái
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP cho biết, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hành nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) đang diễn ra phổ biến, trở thành vấn nạn của đất nước. Theo ước tính của Hiệp hội, hiện nay trong nước có hơn 30 loại ngành hàng bị làm giả từ hàng hóa thông thường đến hàng cao cấp như: Mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường, sữa, thuốc thú y, nuôi trồng các loại, phân bón, điện tử, điện lạnh, sắt thép, tôn lợp, dược phẩm, dây cáp điện, mũ bảo hiểm, quần áo, điện thoại, gas, hàng tạp hóa, dụng cụ cầm tay, đồ chơi trẻ em, xemáy các loại… khiến Ngân sách nhà nước bị thất thu, doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại, người tiêu dùng bị lừa đảo, môi trường kinh doanh và xã hội không an toàn, là trở ngại, thách thức đối với Nhà nước và xã hội nước ta.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tại buổi Tạo đàm, đại diện DN của nhiều ngành hàng đều có phản ánh chung, hiện có rất nhiều hạn chế từ cơ chế, chính sách đến ý thức của người tiêu dùng… khiến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng phát triển mạnh.
Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vô cùng nhức nhối trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tôn thép. Nhiều hình thức và thủ đoạn rất tinh vi, phổ biến như: Cung cấp sản phẩm tôn không đủ độ dày nhưng tẩy xóa độ dày thực tế của sản phẩm và in lại để “nâng cao” độ dày; Nhập khẩu các sản phẩm không có nhãn mác từ Trung Quốc để tùy biến in độ dày cao hơn thực tế hay còn gọi là đôn dem; Đồng thời in thông số mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Còn theo ông Lê Quang Dũng, Hiệp hội Mỹ phẩm TP.HCM, việc xây dựng thương hiệu là vấn đề sống còn của các DN. Tuy nhiên ngay khi xây dựng được thương hiệu có uy tín, bắt đầu có lợi nhuận thì hàng giả, hàng nhái lập tức xuất hiện. Điều này khiến cho DN gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Gạo Lứt Cảnh Hòa chia sẻ: “Các DN vừa và nhỏ như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi vừa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường thì hàng giả, hàng nhái lại xuất hiện. Thêm vào đó, việc đăng ký bản quyền thương hiệu lại mất quá nhiều thời gian, hiện nay đang mất khoảng 12 tháng. Do đó, cần đẩy nhanh thời gian cấp phát bởi DN nhỏ sẽ khó có thể sống được khi mới ra đời đã bị hàng giả, hàng nhái tấn công”.
Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức
Lý giải nguyên nhân vì sao hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn có đất “sống”, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian qua, Cục đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng và DN triển khai tích cực một số chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên, kết quả này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân là do các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi. Trong khi đó, lực lượng thực thi còn mỏng, yếu về nguồn lực, cơ chế thực thi chưa được hoàn thiện dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các lực lượng vẫn chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của mỗi bên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, DN hiểu rõ nhất về hàng hóa do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Do đó, DN nào chủ động, tích cực trong việc xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu của mình và phối hợp với các cơ quan thực thi thì nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT sẽđược giảm đi đáng kể.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hiện nay, có nhiều hành vi tinh vi, thủ đoạn gian dối trong việc hàng giả, hàng nhái, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái, buôn lậu là tội ác nghiêm trọng.
Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức đến thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thậm chí có lực lượng bao che, tiếp tay cho tình trạng hàng giả, hàng lậu.
Do vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các lực lượng chuyên trách và hiệp hội cần phải nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng, tập trung triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhómsản xuất hàng giả trên cả nước. Bên cạnh đó cũng cần giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và yêu cầu người tiêu dùng có ý thức để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng cách yêu cầu đơn vị kinh doanh xuất hóa đơn, chú ý tới các thông tin về sản phẩm như ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.... Đây là cách tốt nhất để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
“Ngoài ra, sẽ xử lý nghiêm các cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.