Hàng giả, hàng lậu đầy chợ

Sự kiện: Kinh Doanh

Hàng giả, hàng lậu còn được bày bán trong chuỗi cửa hàng.

Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp (DN) và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" do Cục QLTT tổ chức ngày 30-3 ở TP HCM, ông Kiều Nghiệp, Trưởng Phòng Phòng chống hàng giả (Cục QLTT), nhìn nhận tình trạng hàng giả và kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp. Đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có cả sự tham gia của nước ngoài. Có sự cấu kết từ sản xuất cho đến phân phối sản phẩm vi phạm, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó cơ quan chức năng.

Phần lớn mỹ phẩm ở chợ là giả

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Phòng Truyền thông đối ngoại Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam, cho biết tình trạng mỹ phẩm giả, lậu đang tràn lan trên thị trường, nhiều nhất là ở các chợ. Hàng giả còn đóng thành bộ 2 trong 1, 3 trong 1; trong khi hàng thật của hãng không làm như vậy. Chợ Kim Biên (TP HCM) được xem là "thủ phủ" của mỹ phẩm giả. Tại Cần Thơ, hàng giả bán từ chợ ra đến đường phố. Hà Nội, Đà Nẵng cũng ngập hàng giả. Mỹ phẩm giả ở chợ bán từ 20.000 - 120.000 đồng/sản phẩm nhưng khi vào cửa hàng bị đẩy lên 80.000 - 250.000 đồng lại được nhiều người tranh nhau mua. Hàng giả còn được bán cùng với hàng nhập lậu tại các chuỗi cửa hàng, tập trung ở khu vực gần sân bay.

Bà Trinh còn đưa ra hình ảnh cho thấy nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cả chính hãng và nhập lậu. Hàng giả còn hoành hành ở thị trường nông thôn.

Theo bà Trinh, nước hoa, mascara, kem, phấn, sáp vuốt tóc, thuốc nhuộm tóc bày bán ở chợ phần lớn là hàng giả. Kênh bán hàng trên mạng, hàng giả cũng chiếm tỉ lệ cao không thua ở chợ. Còn hàng mỹ phẩm chính hãng chỉ bán ở các trung tâm thương mại lớn.

Đại diện Công ty Lacoste cũng cho rằng sản phẩm của họ bị làm giả khắp nơi nên cuộc chiến này rất gian nan, trong khi mức phạt hiện quá thấp, từ 5 - 10 triệu đồng/vụ, không đủ sức răn đe. Sau khi bị xử lý, người vi phạm tiếp tục làm hàng giả vì mỗi tháng họ lãi 50 - 70 triệu đồng, "thoải mái" đóng phạt. Trong khi cơ quan chức năng lại ngại ra quyết định xử phạt ở mức cao vì dễ gặp rủi ro, không thu được tiền phạt thì họ sẽ gặp khó trong khâu thủ tục. Do đó, hàng giả "ung dung" trên thị trường mà người làm ra nó không lo ngại việc bị xử phạt.

Hàng giả, hàng lậu đầy chợ - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trôi nổi trên thị trường. Ảnh: NGỌC ÁNH

Xử lý không đủ sức răn đe

Nhiều đại biểu cho hay sản xuất hàng giả hiện được chia ra nhiều công đoạn, làm ở nhiều nơi, sau đó mới ráp lại, hoàn chỉnh sản phẩm gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc phát hiện, kiểm tra, xử lý. Thậm chí, hàng giả còn đi đường vòng sang Campuchia, Thái Lan rồi mang xuất xứ "ngoại" đưa về Việt Nam tiêu thụ.

DN phản ánh không ít chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng lậu, hàng giả lại có mối quan hệ gia đình với cán bộ thuộc cơ quan chức năng. Có trường hợp DN gửi văn bản đề nghị kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng lậu nhưng không thấy cơ quan quản lý trả lời. Đến 3 tháng sau mới thấy phản hồi thì không thể kiểm tra được do cơ sở này đã thay đổi địa điểm.

Khi DN đề nghị kiểm tra hàng hóa bán trên mạng có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng đưa ra lý do khó khăn về nghiệp vụ và nhân lực nên chưa thể thực hiện.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định vi phạm sở hữu trí tuệ gây thiệt hại lớn cho cả DN, nhà nước và người tiêu dùng. Việc xây dựng văn bản pháp luật cho thấy vai trò của DN, hiệp hội chưa nhiều nên cần tham khảo ý kiến lực lượng này để có được cái nhìn toàn diện. Đơn cử như việc xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì từng cơ quan lại có nhận xét khác nhau. Do đó, cơ quan thực thi chỉ nên xem đó là ý kiến tham khảo để phục vụ cho quyết định xử lý của mình. Việc vi phạm ngày càng phức tạp như lĩnh vực điện tử thường rơi vào sở hữu trí tuệ.

Bà Quỳnh kiến nghị phải hoàn thiện cơ sở xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ bởi xử lý phần lớn vụ vi phạm đều bằng biện pháp hành chính, không đủ sức răn đe. Xử phạt xong, họ cam kết không vi phạm nhưng sau đó lại tiếp tục tái phạm. Do đó, tòa án phải có trách nhiệm chính trong việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ. 

Xử lý cả chục ngàn vụ vi phạm

Về chống hàng giả, năm 2017, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý trên 19.000 vụ, trong đó 278 vụ giả chất luợng và công dụng; 3.518 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì; 395 vụ giả tem, nhãn, bao bì hàng hóa; 608 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 15.067 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa.

Theo Cục QLTT, những mặt hàng vi phạm nổi cộm là bột ngọt, bánh - mứt - kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, đông dược, tân dược, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, quần áo, điện tử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hải (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN