Hàng giả còn “đất sống” vì... siêu lợi nhuận

Đầu tháng 11/2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra “thiên đường mua sắm” Sài Gòn Square (phường Bến Thành, quận 1) thu giữ gần 2.000 sản phẩm túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức, mang các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Xử lý hàng giả dịp giáp Tết

Ngày 21/12, sau hơn 1 tháng bị cơ quan chức năng kiểm tra, quay trở lại trung tâm mua sắm Sài Gòn Square, chúng tôi nhận thấy có gần 50% quầy sạp đóng cửa, các hộ kinh doanh còn lại chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện trang sức, nhưng khác với trước, hàng hóa trưng bày hầu như không có các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới – là “đặc sản” của trung tâm mua sắm này. Thấy tôi ngần ngừ đứng trước một quầy túi xách, chị chủ kinh doanh lên tiếng: “Chị cứ vào chọn mẫu,hiệu nào cũng có. Hôm trước bị kiểm tra dữ quá nên chúng tôi không dám trưng bày”. Nói xong, chị mở bọc màu đen, bên trong chứa túi xách một số nhãn hiệu Dior, Chanel, Louis Vuitton...

Một số hộ kinh doanh ở đây cũng cho biết, kể từ khi bị QLTT kiểm tra, họ luôn bán hàng trong tâm trạng cảnh giác. Hàng các nhãn hiệu nổi tiếng thì được giấu kỹ, khi nào khách hàng hỏi thì họ mới đưa ra chứ không dám trưng bày như trước. Khi nào có lực lượng kiểm tra xuất hiện thì sẽ có người ngồi ở phía trước thông báo.

Hàng giả, hàng nhái bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Hàng giả, hàng nhái bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Liên tục từ đầu tháng 11/2022 cho đến nay, các lực lượng thực thi như QLTT, Công an... đã kiểm tra, phát hiện rất nhiều vụ vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, gian lận thương mại với quy mô lớn, đặc biệt là nhiều sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, sản phẩm thời trang được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Điển hình như, kiểm tra cửa hàng kinh doanh thời trang tại 269C-269D Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, tạm giữ 246 sản phẩm “hàng hiệu” Gucci, Louis Vuitton, Fendi… không có hóa đơn, chứng từ. Kiểm tra nhiều sạp kinh doanh tại Trung tâm Thương mại An Đông (địachỉ số 34-36 An Dương Vương, phường 9, quận 5), thu giữ 3.073 sản phẩm “hàng hiệu” các loại và mỹ phẩm. Kiểm tra 6 cửa hàng kinh doanh đồng hồ ở đường Ba Tháng Hai, quận 11, thu giữ 1.213 chiếc đồng hồ đeo tay các hãng: Rolex, Chanel, Gucci,... không hóa đơn, chứng từ. Đáng chú ý, trong số các điểm kinh doanh này, mặc dù đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm, niêm phong tạm giữ hàng hóa, nhưng vẫn bất chấp tiếp tục livestream bán hàng trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn cho rằng: “Vì làm hàng giả siêu lợi nhuận, trong khi mức xử phạt, chế tài chưa đủ mạnh nên các đối tượng bất chấp để làm hàng giả hoặc sẵn sàng tiếp tục tái phạm”. Tháng 4/2020, Công an TP Hồ Chí Minh bắt một vụ sản xuất hàng giả Nón Sơn, khởi tố một số bị can. Tuy nhiên, cho đến nay vụ án vẫn chưa xong. Điều đáng nói là khi đối tượng bị khởi tố cho tại ngoại, về nhà lại tiếp tục sản xuất hàng giả. Điều đó cho thấy, việc xử lý chậm trễ này của cơ quan thực thi khiến mức độ răn đe đối tượng phạm tội bị mai một, các đối tượng xem nhẹ hình thức xử lý của cơ quan chức năng.

Mức phạt đối với hàng giả là 500 triệu đồng, số tiền quá nhỏ so với “siêu lợi nhuận” từ hàng giả mang lại. Vì vậy, cần phải có mức phạt thật cao, rút giấy phép vĩnh viễn, cưỡng chế tiêu hủy toàn bộ tang vật. Còn xử lý hình sự thì cần phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử. Có như vậy thì mới mong nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái được đẩy lùi.

Ông Mai Ngọc Thạch, đại diện Công ty CP Anh Khuê Watch cho biết, sản phẩm của công ty là hàng nhập khẩu nên hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) rất phức tạp, không chỉ ở các shop, ở không gian mạng mà thậm chí còn bị phát hiện trên đường vận chuyển. Để tự bảo vệ mình, ngoài việc chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc truy quét chống hàng giả ở các tỉnh, thành, DN còn tự bảo vệ mình bằng giải pháp kiểm soát hàng hóa qua hệ thống bảo hành điện tử.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng VPĐD Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT bán ở khắp nơi. Cứ ở đâu có hàng thương hiệu, có uy tín, có giá trị lớn là ở đó có hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT. Trong khi đó, công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, có rất nhiều hiệp hội, rất nhiều trung tâm chống hàng giả cấp tem chống hàng giả, cấp giấy chứng nhận hàng thật cho DN, chính Cục SHTT cũng không biết và rất khó để quản lý, kiểm soát. Còn DN thì nhầm lẫn cứ tưởng được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận có nghĩa là độc quyền. Ngoài ra, cũng có rất nhiều nhãn hàng hóa bị làm giả, tem chống giả cũng giả… Còn trên môi trường mạng thì việc chống hàng gian, hàng giả, cũng khá cam go do website giả, trang thương mại điện tử bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn với nhau.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho biết, hằng năm vào những dịp lễ, Tết, đặc biệt những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm SHTT, hàng gian lận thương mại tăng mạnh. Vì vậy, từ cuối tháng 11/2022, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch cao điểm tăng cường đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trong những tháng cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết.

Hàng lậu, hàng giả 'đổ bộ' vào trung tâm thương mại

Trong những tháng cuối năm và cận Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép diễn ra phức tạp, khó lường. Đặc biệt, hàng giả đang len lỏi vào trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hà ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN