Hàng giả bủa vây, thờ ơ hay tiếp tay?

“Các doanh nghiệp đều biết hàng giả vào Việt Nam nhưng chỉ có chục doanh nghiệp lên tiếng tích cực chống hàng giả. Vậy có hay không các chủ tịch, tổng giám đốc doanh nghiệp đang tiếp tay cho hàng giả?”- ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Hải quan kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 nói.

Ma trận hàng giả bủa vây

Hàng giả như “ma trận” bủa vây người tiêu dùng, dẫu số vụ vi phạm bị bắt lên tới hơn 21.600 vụ trong năm 2014 nhưng hàng giả vẫn ngang nhiên hoành hành trên thị trường. Buổi đối thoại trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành” (cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/4) diễn ra trong bầu không khí khá nóng và sôi nổi.

“Đi nhiều nước không có nước nào doanh nghiệp thờ ơ với chống hàng giả như ở Việt Nam. Phải chăng chính các doanh nghiệp đang sợ bị ảnh hưởng ở khía cạnh thị trường, sợ bị người tiêu dùng nghi ngờ nếu nêu vấn đề hàng giả, hàng nhái mà đơn vị đang kinh doanh”.

Ông Nguyễn Văn Cẩn

Ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Quản lý thị trường, Bộ Công Thương mở đầu: Năm qua, các vụ bắt giữ hàng giả của lực lượng chức năng không hề ít với hơn 17 nghìn vụ hàng giả, hàng nhái được phát hiện với số tiền xử hạt trên 35 tỷ đồng. Các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất, chủ yếu là rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp, túi xách, thực phẩm, và ngay cả tem chống hàng giả cũng bị làm nhái. Đặc biệt, chỉ riêng bột ngọt, năm qua đã phát hiện, bắt giữ trên 30 tấn.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, xác nhận: Hàng giả tràn lan do cấp ủy ở địa phương nhiều nơi chưa vào cuộc quyết liệt. Các doanh nghiệp sản xuất cũng như các Hiệp hội chưa vào cuộc đấu tranh triệt để với tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Dẫn chứng đấu tranh chống hàng giả không hề đơn giản, ông Trần Đức Vĩnh, Phó cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) cho biết, nhiều thiết bị phục vụ xác định hàng giả chưa có. Một số trường hợp không xác định được đâu là hàng giả. “Có vụ, cơ quan điều tra phải gửi cả mẫu sang Ý để xác định. Nhưng hãng sản xuất xác nhận đây là hàng thật khiến cơ quan chức năng khó xử lý dù có dấu hiệu đơn vị kinh doanh cả hàng thật pha lẫn hàng giả”, ông Vĩnh cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) khẳng định người tiêu dùng đang phải đối mặt với mê cung vàng thau lẫn lộn hàng thật, hàng giả. Năm ngoái, Vinatas tiếp nhận hơn 1.000 trường hợp khiếu nại, tố cáo mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt nguy hiểm, trên thị trường hàng giả xuất hiện trong mọi lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng thông thường đến cả máy móc công nghệ cao.

Tranh cãi “hô biến” thịt trâu thành bò

Hàng giả bủa vây, thờ ơ hay tiếp tay? - 1

Tất cả rượu giả, thuốc lá, mỹ phẩm nhái đều bị tiêu hủy tại khu xử lý rác thải của Cty CP Môi trường đô thị & Công nghiệp 11 (Urenco 11) tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Anh Tuấn

Cuộc đối thoại nóng lên khi đại diện cơ quan Hải quan cung cấp thông tin và đề nghị lực lượng quản lý thị trường làm rõ tình trạng thịt trâu nhập khẩu đang đội lốt thịt bò được bán công khai trên thị trường. Theo ông Cẩn, năm 2014, số liệu nhập khẩu theo tờ khai Hải quan cho thấy, có 26 nghìn tấn thịt trâu được nhập khẩu chính ngạch từ Ấn Độ và một số nước vào Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường lại không thấy ai bán thịt trâu nhập khẩu? “Tới đây, Ban chỉ đạo quốc gia 389 sẽ chỉ đạo lực lượng công an làm rõ vấn đề này”, ông Cẩn tuyên bố.

Trước câu hỏi được đặt ra lần hai với lực lượng quản lý thị trường về tình trạng thịt trâu nhập khẩu được “hô biến” thành thịt bò từ đại diện Văn phòng ban chỉ đạo 389 T.Ư, ông Tín yêu cầu Đội trưởng quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phải làm rõ ngay vụ việc.

Theo đại diện Đội quản lý thị trường số 14, doanh nghiệp nhập khẩu thịt trâu không sai nhưng “có vấn đề” ở khía cạnh tiêu thụ. Lực lượng quản lý thị trường đã xác minh nhưng trên thị trường, ở các chợ không có bán thịt trâu nhập khẩu. Đây là điều bất thường cần nhiều cơ quan cùng vào cuộc làm rõ để cảnh báo người dân biết. Ông cũng đề nghị Ban chỉ đạo 389 T.Ư và hải quan cung cấp thêm thông tin để làm rõ đường đi của số thị trâu nói trên. 

Ông Cẩn cho biết sẽ yêu cầu làm rõ việc cơ quan quản lý thị trường ở một địa phương bắt giữ 8 tấn bao bì giả mạo hàng của hãng Ajinomoto nhưng sau đó vụ việc chỉ bị xử lý hành chính. “Tới đây sẽ yêu cầu tổng cục cảnh sát phải điều tra số bao bì này trị giá bao nhiêu, số bao bì này được đóng cho bao nhiêu tấn mì chính đưa ra thị trường gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng” - ông Cẩn tuyên bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN