Hạn chế tăng giá hàng hóa sau đợt tăng lương: Giám sát niêm yết, công khai về giá

Lương cơ sở, lương hưu tăng từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng được dự kiến tăng vào nửa cuối năm 2024. Khả năng sẽ không tác động nhiều đến giá hàng hóa. Trước nỗi lo giá hàng hóa tăng “té nước theo mưa”, cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn.

Tổng tiền tăng lương không lớn

Ngày 3/7, tại hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính - đánh giá, việc tăng lương cơ sở 30% từ ngày 1/7 sẽ không tác động nhiều lên mặt bằng giá cả. Theo ông Độ, Việt Nam có khoảng 50 triệu lao động nhưng tỷ trọng người lao động khu vực công (được tăng lương cơ sở) chỉ chiếm khoảng 8%. Vậy nên phần lương tăng thêm tác động lên mặt bằng giá cả không đáng kể.

Người dân mua sắm tại BigC Thăng Long. Ảnh: Như Ý.

Người dân mua sắm tại BigC Thăng Long. Ảnh: Như Ý.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nửa cuối năm 2024 sẽ có 3 nhóm đối tượng được tăng lương gồm: tăng 30% lương cơ sở cho lao động trong lĩnh vực công; tăng 15% lương hưu và dự kiến tăng lương tối thiểu 6%.

“Tổng số tiền tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2024. Tương đương mỗi tháng có gần 3.000 tỷ đồng từ tăng lương. Số lương tăng này không quá lớn nên sẽ không tác động quá nhiều đến giá hàng hóa tiêu dùng”, ông Tuyến nhận định.

Tuy nhiên, từ trước tới nay thường có tâm lý, mỗi khi lương tăng, giá hàng hóa lập tức tăng theo. Theo ông Tuyến, để ngăn việc giá hàng hoá tăng theo lương, cơ quan chức năng cần phối hợp nhiều giải pháp. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát giá nhằm tránh tăng giá bất hợp lý. Các bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý sản xuất dồi dào, lưu thông thuận lợi và cung ứng hàng hoá đầy đủ.

“Đối với mặt hàng nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, các địa phương cần có sự phối hợp, dưới sự chỉ đạo của “nhạc trưởng” Chính phủ để góp phần ngăn tăng giá hàng hóa khi tăng lương”, ông Tuyến đề xuất.

Trước đó, từ ngày 1/7, lương cơ sở (dành cho công chức, viên chức) tăng 30%, tương ứng tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Lương hưu tăng 15%, người nhận lương dưới 3,5 triệu đồng sẽ được tăng 300.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng (dành cho người lao động tại doanh nghiệp) cũng đang đề xuất tăng 6%.

Giá hàng hóa nửa cuối năm 2024 sẽ ít biến động

TS. Nguyễn Đức Độ dự báo, áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Ông Độ nhận định, nửa cuối năm 2024, không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến. Vì vậy, lạm phát trung bình cả năm 2024 quanh mức 3,2 - 3,6%.

Theo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, hiện nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ lệ lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng - CPI) giá cả tương đối ổn định. Các mặt hàng này có chỉ số sản xuất tăng trưởng khá cao, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Chúng tôi yêu cầu địa phương tăng cường giám sát thực hiện các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện chấn chỉnh khắc phục những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá”, đại diện Cục Quản lý Giá cho biết.

Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra 3 kịch bản lạm phát năm 2024. Theo đó, ở kịch bản cao CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024). Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 mức 2,8%, lạm phát trung bình cả năm 2024 mức 3,6%.

Ở kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, CPI tăng trung bình 0,1%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024. Lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,4%. Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm trong 6 tháng cuối năm 2024. Ở kịch bản này, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 1,4% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Các đơn vị chủ động rà soát phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp.

Từ ngày 1/7, lương cơ sở (dành cho công chức, viên chức) tăng 30%, tương ứng tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Lương hưu tăng 15%, người lương dưới 3,5 triệu đồng sẽ được tăng 300.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng (dành cho người lao động tại doanh nghiệp) cũng đang đề xuất tăng 6%. Đại diện Tổng cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp kiểm soát giá. Tiêu biểu như cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Đồ gia vị, bánh, mứt, kẹo, cà phê, ca cao... tăng do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN