Hại đủ đường từ cá tầm nhập lậu
Doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước đang ngắc ngoải. Bộ NN&PTNT đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh từ cá tầm nhập lậu…
Với mức lợi nhuận cao gần gấp đôi, thị trường buôn lậu cá tầm Trung Quốc vào trong nước những ngày gần đây trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Lợi nhuận quá cao
Những ngày gần đây, hàng loạt vụ vận chuyển cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam bị lực lượng chức năng của các địa phương bắt giữ.
Mới đây chỉ trong một ngày (29-4), Công an TP Hà Nội đã bắt giữ ba chuyến xe chở cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc với tổng số lượng gần hai tấn. Tại các tỉnh giáp biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… hàng loạt các vụ vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc cũng vừa bị phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp nuôi cá tầm thuộc Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh, lượng cá tầm nhập lậu bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy không là bao so với thực tế. Theo Hiệp hội, bị cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc chèn ép, lượng cá tầm nuôi trong nước bán ra sụt giảm đáng kể, có tỉnh giảm tới 80% sản lượng. Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty Cá tầm tại Bắc Giang, cho biết: “Từ sau tết, lượng cá tầm xuất ra của chúng tôi bị sụt giảm tới 60%-70%. Bình thường chúng tôi bán mỗi tháng 2-3 tấn cá tầm, nay chỉ bán được 4-5 tạ/tháng” - ông Khải nói rõ.
Nuôi cá tầm trên lưu vực sông La Ngà. Ảnh: Kim Sơn
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động buôn lậu gia tăng do giá cá tầm Trung Quốc quá rẻ so với giá cá tầm tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá cá tầm tại Trung Quốc chỉ ở mức 50.000-70.000 đồng/kg, qua Việt Nam giá đội lên 100.000-130.000 đồng/kg, Trong khi đó, cá tầm do các doanh nghiệp Việt Nam nuôi có mức giá khoảng 180.000-230.000 đồng/kg. Với mức lợi nhuận hưởng được từ chênh lệch giá, cá tầm Trung Quốc nhập lậu đang “đè bẹp” các doanh nghiệp nuôi cá tầm nội địa, đua nhau tràn vào thị trường trong nước bất chấp những cảnh báo về an toàn thực phẩm và bệnh dịch.
Theo các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước, một nguyên nhân nữa khiến cá tầm nội địa không cạnh tranh được với cá tầm Trung Quốc nhập lậu là phần lớn cá tầm Trung Quốc đã được nuôi công nghiệp, sử dụng nhiều kháng sinh, thức ăn tăng trọng. Hiện Trung Quốc đã làm chủ công nghệ nuôi cá tầm từ con giống đến thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó các doanh nghiệp nuôi cá tầm Việt Nam phải nhập con giống từ Nga, thức ăn chăn nuôi thì phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài và phần lớn cá tầm được thả nuôi tại các hồ, đập thủy lợi, thủy điện…
Cảnh báo dịch bệnh
Ghi nhận tại một số chợ Hà Nội như chợ Long Biên, chợ Đền Lừ, chợ 8-3… cho thấy cá tầm đang được bày bán khá phổ biến với mức giá 120.000-130.000 đồng/kg. Mặc dù chủ các cửa hàng đều khẳng định là cá tầm Việt Nam nhưng theo ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty Cá tầm Bắc Giang, thì: “100% đó là cá tầm Trung Quốc nhập lậu, vì giá như thế là quá rẻ!”.
Cũng theo ông Khải, không khó để phân biệt cá tầm Trung Quốc với cá tầm Việt Nam vì cách thức nuôi và con giống của hai bên khác nhau. “Phần lớn cá tầm Trung Quốc có trọng lượng 1,6-2,5 kg. Do nuôi công nghiệp nên cá tầm Trung Quốc đạt 2 kg thì xuất ao là có lợi nhuận nhất. Còn cá tầm Việt Nam được nuôi trong các hồ thủy điện, thủy lợi nên kích cỡ đủ loại, có nhiều con đạt trọng lượng 4-5 kg. Về hình thể, cá tầm Trung Quốc thường có thân hình ngắn, mập, vây đuôi nhỏ, còn cá tầm Việt Nam có hình thể thon, dài, vây đuôi lớn. Ngoài ra, cá tầm Việt Nam chỉ chứa 5% lượng nước, còn cá tầm Trung Quốc chứa lượng nước lớn 25%-30% nên thịt nhão hơn…” - ông Khải nói.
Tại cuộc họp ngày 6-5 mới đây bàn về công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã cảnh báo tình trạng buôn bán, vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc không những đe dọa nghề nuôi cá tầm trong nước mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nguyên do là phần lớn loại cá này đều nhập lậu, không được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh và mức độ an toàn thực phẩm. Bà Thu cũng yêu cầu lực lượng kiểm dịch thú y, thanh tra chuyên ngành… kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc vào nội địa.