Hà Tĩnh: Giải cứu lợn chưa xong… đến lúa mất trắng vì nhiễm bệnh!

Sự kiện: Kinh Doanh

Diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông rất lớn, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Những cán bộ đầu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cho rằng đây là một năm “lịch sử” của căn bệnh tác quái này.

Bệnh đạo ôn hoành hành

Mấy tháng gần đây, Hà Tĩnh đang loay hoay tìm đủ phương sách để “giải cứu lợn”.

Lợn tồn dư, giá thành giảm sâu, nợ nần chồng chất. Toàn tỉnh còn khoảng 90.000 con lợn thịt đã đến thời gian xuất chuồng và hơn 20.000 con lợn giống sau cai sữa chưa xuất bán và còn nợ hơn 400 tỷ đồng đã đến kỳ trả hạn.

Chưa năm nào người chăn nuôi lại khốn đốn, tận cùng thế này. Doanh nghiệp chăn nuôi lớn đứng bên bờ vực phá sản, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ thì cụt vốn.

Khi người dân chưa kịp vượt qua khó khăn về chăn nuôi thì lại phải đối mặt với mất mùa lúa.

Hà Tĩnh: Giải cứu lợn chưa xong… đến lúa mất trắng vì nhiễm bệnh! - 1

Tính đến ngày 10/5, Hà Tĩnh có hơn 7.590 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn trổ bông

Tính đến ngày 10/5, diện tích mất trắng là rất lớn, hơn 7.590 ha/58.000 ha lúa gieo trồng, trong đó chủ yếu tập trung vào giống lúa Thiên Ưu 8.

Trong đó, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Lộc Hà… là những huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất về bệnh đạo ôn trổ bông.

Giữa cái nắng mùa hè, nhìn vựa lúa bạc phếch bởi những bông héo úa, xẹp lép bám trụ yếu ớt trên thân cây do mắc bệnh đạo ôn trổ bông, bà Dương Thị Bảy (Kỳ Sơn, Thạch Đài, Thạch Hà) không khỏi xót xa, đau đớn: “Tiếc cho công sức, của cải của mình bỏ ra đến khi sắp được thu hoạch lúa rồi lại chỉ biết ngẩng mặt lên trời mà khóc. Vụ đông xuân năm nay xem như mất trắng”.

“Vụ này gia đình tôi có 17/20 sào lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Từ khi gieo cấy đến lúc trổ bông, lúa đẹp mơn mởn, không hề có biểu hiện của sâu bệnh. Nhưng sau trổ vài ngày tôi ra ruộng thì thấy bệnh đã bùng phát diện rộng, lúa khô trắng, hạt xẹp lép. Nói chung ít ngày nữa có gặt cũng chỉ được vài chục kg lúa/sào”, bà Bảy xót xa nói.

Không chỉ huyện Thạch Hà mà lúa ở hầu như tất cả các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đều “dính” loại bệnh tai hại này.

Chị Nguyễn Thị Mai, (Tùng Ảnh, Đức Thọ) cho hay: Gia đình chị gieo giống Thiên Ưu trên 10 sào và phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh đều đặn, nhưng không hiểu sao sau khi khi hậu se lạnh, trời trở nắng là bông lúa cứ thế khô dần. Thu hoạch lúa năm nay xem như bỏ trắng.

Người dân trắng tay vì mất mùa lúa

Những cán bộ đầu ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá đây là một năm “lịch sử” thiệt hại nặng về lúa, do căn bệnh đạo ôn trổ bông. Trước đây, năm 2010 tỉnh có thiệt hại 3.000 ha lúa do bệnh sâu cuốn lá nhưng để nặng như năm 2017 thì đây là năm duy nhất.

Theo ông Nguyễn Tống Phong, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Bệnh này chỉ diễn ra 2 giai đoạn, đạo ôn lá và đạo ôn trổ bông. Trổ bông là nặng nhất, phòng trừ không còn hiệu lực. Năm nay lại năm đặc thù, thời tiết ấm hơn. Thuận lợi cho lúa phát triển đồng nghĩa sâu bệnh phát triển. Nấm đạo ôn trên bông lúa có cơ hội sinh trưởng”.

Về nguyên nhân ban đầu, ông Phong nói: “Thời điểm lúa trổ bông ảnh hưởng liên tục khí hậu lạnh, ẩm ướt, điều kiện cho nấm phát triển gây độc cho lúa. Dân ta có tập quán là trong khi lúa trổ vè hoặc kết thúc trổ bông không phun thuốc nữa vì sợ độc và thực tế là độc thật.  Ngoài ra, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng trừ”.

Hà Tĩnh: Giải cứu lợn chưa xong… đến lúa mất trắng vì nhiễm bệnh! - 2

Tỉnh Hà Tĩnh đã gửi mẫu lúa ra Viện nghiên cứu Bảo vệ thực vật xét nghiệm, sau đó sẽ công bố chính thức về dịch bệnh

Với người dân, ngoài nguyên nhân thời tiết, họ cho rằng một phần do giống lúa Thiên Ưu 8. Giống lúa này tuy gạo thơm ngon, năng xuất khá (2,5-2,7 tạ/sào) nhưng nó có tích chất thoái hóa nhanh theo thời gian nên khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên thay đổi là không cao.

Tuy nhiên, ông Phong lại giải thích, “Giống lúa Thiên Ưu 8 được công nhận chuẩn Quốc gia năm 2015. Được Hà Tĩnh gieo trồng thí nghiệm 2 năm trước, khi đạt năng xuất cao, sức kháng khuẩn tốt với các loại sâu bệnh tốt nên tỉnh mới chính thức đưa vào gieo trồng phổ biến?”.

Năm 2016, do bị lũ lụt, Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn giống lúa, trong đó có 350 tấn giống Thiên Ưu 8 từ nguồn dự trữ Quốc gia. Tuy nhiên, không chỉ riêng giống do Trung ương hỗ trợ mà cả giống do người dân mua ngoài thị trường cũng nhiễm bệnh.

Ông cũng thông tin, “Chúng tôi đã gửi mẫu lúa ra Viện Nghiên cứu bảo vệ thực vật để tìm ra nguyên nhân chính thức vì sao lúa mắc bệnh đạo ôn trổ bông. Có phải do nấm gây ra bệnh?”.

“Đông thời chúng tôi cũng đang đề xuất tỉnh công bố chính thức dịch bệnh đạo ôn trổ bông. Từ đó, có chính sách hỗ trợ cho người nông dân thiệt hại về diện tích lúa gieo trồng. Theo Nghị định 02 của Chính phủ, thiệt hại trong nông nghiệp sẽ hỗ trợ giống hoặc tiền” – ông Phong nói.

Thế nhưng theo đánh giá của ông Phong, hỗ trợ chính sách trong nông nghiệp là không lớn, như “muối bỏ biển”.

Cụ thể, diện tích mất trên 70% hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; diện tích mất trên 30-70% hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Chủ yếu ngân sách dự phòng, mà để xin được hỗ trợ từ Trung ương nếu được nhận tiền về cũng mất hàng năm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trương Hoa (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN