Hà Tĩnh: DN toát mồ hôi, xoay sở mọi cách... giải cứu lợn
“Để tự cứu mình thoát khỏi bờ vực phá sản, lợn nái đẻ ra chúng tôi buộc phải bỏ đi một nửa còn một nửa để nuôi” – ông Lê Văn Nhị, Giám đốc Công ty chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh xót xa nói.
Phải tự cứu mình trước
Giá lợn hơi giảm thê thảm, không có thị trường tiêu thụ, lợn đẻ ra không có chỗ nuôi, nguy cơ dịch bệnh, thiếu vốn sản xuất, không có tiền để mua thức ăn, thuốc thú y… là khó khăn chung hiện nay của người chăn nuôi lợn.
Doanh nghiệp chạy đôn, chạy đáo đi tìm kiếm thị trường, bán dần từng chục con rồi đến hàng trăm con trong tổng đàn hàng nghìn con với suy nghĩ “ít còn hơn không”.
Doanh nghiệp để thoát cảnh phá sản đang phải xoay sở nhiều cách để cứu mình
Ông Nguyễn Huy Hùng – Tổng giám đốc, Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh cho biết: “Đúng, lúc này doanh nghiệp chăn nuôi lợn phải gồng mình lên để chống đỡ, nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ đổ vỡ là rất lớn.
Hiện, công ty đang tồn đọng 71.286 con lợn đã đến thời điểm xuất chuồng, trị giá trên 250 tỷ đồng, trong khi hạn mức vay vốn lưu động của các đơn vị tại ngân hàng đã vượt ngưỡng. Nếu không có giải pháp kịp thời, công ty có nguy cơ phá sản”.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Văn Nhị, Giám đốc Công ty chăn nuôi Mitraco xót xa nói: “Để tự cứu mình thoát khỏi bờ vực phá sản, lợn nái đẻ ra chúng tôi buộc phải bỏ đi một nửa, chỉ dám để một nửa để nuôi”. |
Để tự cứu mình, doanh nghiệp phải có phương sách riêng như tự tìm kiếm thị trường các tỉnh, ra cả nước ngoài như Lào. Sắp tới công ty sẽ xuất trên 300 con sang Lào, hàng trăm con khác qua Nghệ An, các tỉnh miền Nam… Đây là kênh làm ăn lâu dài của công ty nên việc này chúng tôi có thể duy trì".
“Lúc này, doanh nghiệp nào tìm được thị trường, biết cách vượt qua khó khăn trước mắt thì sẽ thành công. Vì vậy, chúng tôi tìm mọi cơ hội để có thể xuất bán được lợn. Tôi có niềm tin và chắc chắn sẽ vượt qua cơn hoạn nạn này” – ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết, công ty đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh một số vấn đề như: Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn; Chỉ đạo các ngân hàng khẩn cấp cho vay vốn khoanh nợ và giảm lãi; Có chính sách hỗ trợ lãi vay, thuốc thú y và chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát ATVSTP; Sớm có quy hoạch tổng thể chăn nuôi lợn; Chi cục thú y kiểm soát chặt chẽ chất lượng lợn từ các địa phương ngoài vào Hà Tĩnh; Sở Công thương có giải pháp để quản lý giết mổ, buôn bán thịt lợn trên địa bàn.
Cả tỉnh chung tay “giải cứu lợn”
Để giúp bà con và các doanh nghiệp, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát công văn gửi đến các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, đề nghị cùng tham gia tiêu thụ và chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn trên địa bàn, từng bước vượt qua đợt khủng hoảng.
Cụ thể, UBND Hà Tĩnh đã đề nghị công ty Formosa (có gần 6.000 cán bộ công nhân viên) và một số công ty, đơn vị khác xem xét, có các hoạt động tham gia chương trình nêu trên; phối hợp, hỗ trợ với các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh để thu mua sử dụng sản phẩm thịt lợn phục vụ nhu cầu của cán bộ, công nhân viên của công ty, bổ sung nguồn thực phẩm cho các bếp ăn của tập thể công ty.
Theo ông Hoàng Văn Quảng- Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Thậm chí các khách sạn, nhà hàng, siêu thị lợn trong tỉnh đều đồng ý thu mua số lượng lớn thịt lợn để cất kho đông lạnh, giúp người chăn nuôi lợn”.
“Về phía DN liên kết, nếu có nhu cầu mở thị trường tại các chợ truyền thống trên địa bàn thì cơ quan nhà nước thì cơ quan nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng lợn ứ đọng. Tuy nhiên, DN cũng không được giảm giá quá sốc mà phải tuân thủ theo Luật Cạnh tranh” – ông Hoàng Văn Quảng- Giám đốc Sở Công thương nói.