Hà Nội: Trồng cam, hoa lan, nhà nông bỏ túi 700 triệu đến 1,6 tỷ

Sự kiện: Kinh Doanh

Đến nay, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong số 6 xã chưa đạt thì 5 xã đạt từ 14 - 15 tiêu chí, 1 xã đạt 11 tiêu chí. Với những quyết tâm cao nhất, năm nay địa phương phấn đấu có thêm 3 xã Xuân Dương, Kim Thư, Mỹ Hưng đạt chuẩn.

Nhiều điểm sáng

Xuân Dương là 1 trong 3 xã của Thanh Oai phấn đấu về đích NTM trong năm nay. Hiện, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Bí thư Đảng ủy xã Phùng Văn Tuyến cho biết, năm 2017, xã có 2 hộ dân hiến đất cho địa phương mở rộng đường sá với diện tích hơn 200m2, ngoài ra, xã còn vận động người dân đóng góp, xây dựng 4 tuyến đường với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Hà Nội: Trồng cam, hoa lan, nhà nông bỏ túi 700 triệu đến 1,6 tỷ - 1

Mô hình nuôi lợn an toàn tại một số xã của huyện Thanh Oai (Hà Nội).  Ảnh: Hải Đăng.

Trên địa bàn xã không có chợ, trung tâm thương mại lại ở xa nên việc xây dựng chợ cần kinh phí lớn, đây chính là nút thắt trong quá trình xây dựng NTM của Xuân Dương. Để gỡ khó, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân đầu tư mở cửa hàng tiện ích.

Đến nay, 3 thôn đã có cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu của người dân. Đối với tiêu chí văn hóa, Xuân Dương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, tiếp tục xây dựng quy ước, công ước; tổ chức các hội nghị gia đình văn hóa, làng văn hóa đến từng nhà...

Còn tại xã Liên Châu - 1 trong 4 xã về đích trong năm 2017, bộ mặt làng quê nơi đây ngày càng thay đổi. Được biết, năm 2012, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Liên Châu chỉ đạt 2/19 tiêu chí. Chỉ sau 5 năm, bộ mặt của Liên Châu đã thay đổi hoàn toàn với sự cải thiện to lớn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân.

Về cơ sở giao thông, 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn và đường làng, ngõ xóm đều đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp. Hệ thống thủy lợi nội đồng cũng được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của nhân dân tự nguyện đóng góp 4,3ha đất nông nghiệp làm hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng và hơn 3.300 ngày công rải đá các trục đường.

Huyện Thanh Oai:

Hết năm 2018, thu nhập bình quân đạt 40,5 triệu đồng/người/năm.

Đến năm 2020, 100% xã đạt chuẩn NTM.

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế của Liên Châu được thể hiện ở việc thu nhập bình quân đầu người của xã trong năm 2017 đạt 38,3 triệu đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương cũng giảm chỉ còn 1,9%.

Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao

Bà Lê Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, xã; đầu tư xây dựng và sửa chữa nhà văn hóa, trường học (trong đó có 65 nhà văn hóa đạt chuẩn, 10 xã có 3 cấp trường đạt chuẩn), huyện còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi hơn 1.000ha sang các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, 700ha đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản, 110ha rau màu, 394ha trồng cây ăn quả, 5ha trang trại tổng hợp... Nhiều mô hình cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với cấy lúa.

Đơn cử, mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy cầm cho giá trị thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm tại các xã Liên Châu, Tân Ước, Hồng Dương... Hay mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn ở xã Kim An và Thanh Mai cho thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng hoa lan cấy mô ở xã Thanh Cao với diện tích 2.200m2, thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm.

“Thời gian tới, huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi mô hình canh tác, mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư bảo đảm đúng quy hoạch; hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả; đẩy mạnh việc sản xuất theo chuỗi liên kết với các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản và bảo đảm chất lượng, chú trọng các xã phấn đấu về đích và các trường đạt chuẩn quốc gia năm nay. Thanh Oai cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch làng nghề kết hợp các di tích lịch sử, gắn với bảo đảm cảnh quan môi trường” - bà Hà cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Đăng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN