Hà Nội nêu lý do tăng giá nước sạch từ ngày 1-7
Nhiều địa phương tại Hà Nội, nhất là các xã ngoại thành rơi vào tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt từ nguồn tập trung.
Sóc Sơn là một trong những huyện của Hà Nội thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng nhất. Theo UBND huyện Sóc Sơn, đến nay mới có khoảng 30% dân số của huyện (khoảng gần 26.000 hộ dân tại 11 xã, thị trấn) là được sử dụng nước sạch từ nguồn nước tập trung. Tỷ lệ này khá thấp so với phần còn lại của Thủ đô.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các doanh nghiệp cung ứng nước sạch ít mặn mà với việc đầu tư.
149 xã chưa có nước sạch
Trước đó năm 2017, UBND Hà Nội đã giao Công ty CP nước sạch Sông Đuống đầu tư hệ thống phân phối nước sạch cho 18 xã của huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên cho đến nay dự án này chưa từng được triển khai thi công. Thậm chí tháng 8-2022, doanh nghiệp này còn xin rút không triển khai dự án.
Cư dân một chung cư tại Hà Nội thức đêm lấy nước sạch dịp cuối tháng 9-2022 (Ảnh: Phi Hùng)
Trước nguy cơ dự án đổ vỡ, người dân thiếu nước sinh hoạt, UBND huyện Sóc Sơn phải đề xuất thành phố chuyển giao cho Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội tiếp tục triển khai dự án.
Tính đến nay Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ đầu tư mạng lưới đối với 11 xã và thi công xây dựng trong năm 2023. Đối với hệ thống cung ứng nước sạch cho 7/18 xã còn lại, hiện đang được các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công…
Không chỉ riêng Sóc Sơn, nhiều địa phương khác của Hà Nội, nhất là các xã ngoại thành cũng rơi vào tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt từ nguồn tập trung.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, thành phố còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao dự án nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện, 28 xã còn lại chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Lý do là chi phí đầu tư lớn, người dân ít đấu nối, hoặc sử dụng ít, lợi nhuận thấp khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư…
10 năm chưa tăng giá
Theo phương án tăng giá nước sạch đang được Sở Tài chính Hà Nội dự thảo thì, những năm gần đây, thành phố đang chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang khai thác nguồn nước mặt để sản xuất nước sạch đảm bảo chất lượng cung ứng cho người dân. Tuy nhiên 10 năm qua, giá nước sạch toàn thành phố chưa tăng, khiến quá trình thu hút nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn…
Hầu hết các nhà máy nước ngầm của thành phố đều được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao. Các nhà máy này đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.
Còn các nhà máy nước mặt đang vận hành hiện do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
“Nguồn nước ngầm khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm…gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư” - báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội nêu.
Cùng với đó, Hà Nội cũng cho biết với giá nước như hiện nay thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế (QCVN01-1:2018/BYT).
Cho đến nay, thành phố đã kêu gọi thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp không thực hiện dự án, hoặc triển khai rồi nhưng chậm tiến độ do áp lực chi phí vốn, do giá nước hiện hành chỉ “chỉ đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận”
“Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho thành phố" - báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội nêu rõ.
Phương án tăng giá nước sạch dự kiến của Hà Nội đưa ra lộ trình thực hiện từ 1-7-2023 và lộ trình tăng giá nước sạch từ 1-1-2024. Theo tính toán, với mức tăng dự kiến, trung bình mỗi hộ tại khu vực nội thành sử dụng từ 10-16 m3/tháng sẽ phải chi trả thêm tiền nước sạch từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Với các hộ ở nông thôn sử dụng từ 6-8m³/tháng, số tiền phải chi thêm là từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.
Phương án tăng giá nước sạch của Hà Nội
Trong phương án tăng giá nước sạch, Sở Tài chính Hà Nội khẳng định phương án điều chỉnh giá nước này "cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân”. Các hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m³ đầu tiên sẽ giữ nguyên, không tăng giá. Ngoài ra, thành phố có cơ chế hỗ trợ khác đối với người dân ở khu vực khó khăn khác…
Nguồn: [Link nguồn]
Khi giá heo hơi tăng, việc tái đàn sản xuất được kỳ vọng giúp đảm bảo nguồn cung nội địa đối với thịt heo, góp phần bình ổn thị trường.