Góp tiền dân để "gánh" phần lỗ cho EVN?
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo lập Quỹ Bình ổn giá điện nhằm giảm tác động bất lợi của các yếu tố thị trường tới giá điện. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia cho thấy: việc lập quỹ này sẽ “bất ổn” nhiều hơn khi người tiêu dùng phải tăng đóng góp.
Việc người dân phải bỏ tiền ra để góp lập Quỹ Bình ổn giá điện sẽ làm tăng gánh nặng đóng thuế phí. Ảnh: Như Ý.
Theo dự thảo Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương xây dựng, Quỹ Bình ổn giá điện được thành lập để bình ổn giá điện. Nguồn hình thành Quỹ Bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Quỹ Bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động, làm giá bán điện bình quân giảm, chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện...
Lập tức, đề xuất này đã nhận khá nhiều ý kiến không đồng tình. Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đề xuất lập Quỹ Bình ổn giá điện là hoàn toàn không phù hợp trong tình hình hiện nay.
Ông Ánh lập luận: Về cơ bản, nếu đánh giá về mặt hiệu quả, như với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua, có thể thấy hiệu quả của việc lập quỹ chưa phát huy được như mong muốn do có một số bất cập. Trong khi gần đây ý kiến từ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng cho rằng có thể xem xét bỏ quỹ này. “Với dự thảo đề xuất lập Quỹ Bình ổn giá điện cần tính toán thật kỹ xem có thực hiện được hay không”, ông Ánh nói.
Điểm chú ý nữa là theo TS Vũ Đình Ánh, đề xuất lập Quỹ Bình ổn giá điện của Bộ Công Thương trong dự thảo chưa tính tới các yếu tố biến động của giá điện. Như với giá xăng dầu thì có thể nói có liên quan đến giá quốc tế nên trong chừng mực nào đó có thể coi quỹ như một bước đệm để giảm sự tác động của tăng giá. Nhưng với điện thì không phải như vậy.
Điểm khiến người dân băn khoăn nữa là quỹ bình ổn sẽ được quản lý như thế nào. Dù có được quản lý tốt đi chăng nữa thì quỹ này sẽ đòi hỏi một cơ chế riêng với bộ máy nhân sự đi kèm. Việc này đồng nghĩa sẽ tạo chi phí quản lý không cần thiết, chưa kể câu chuyện liên quan đến minh bạch trong quản lý.
“Hiện đã có quá nhiều khoản quỹ tài chính ngoài ngân sách đang tồn tại với nhiều bất cập trong quản lý. Giờ lập thêm một khoản quỹ nữa thì có cần thiết hay không”, ông Ánh đặt vấn đề.
Mù mờ cơ chế, tăng gánh nặng
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, dự thảo của Bộ Công Thương có nêu Quỹ Bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Với quy định này, nếu không làm rõ tỷ lệ trích bao nhiêu từ giá điện là hợp lý, khi nào được huy động quỹ để bù lỗ cho giá điện, bao giờ thì ngừng trích lập từ quỹ cũng như đánh giá ban đầu về tính hiệu quả của quỹ sẽ khiến việc lập, quản lý quỹ thiếu minh bạch. Cụ thể hơn, ông Doanh phân tích: Dự thảo không có số liệu tính toán cho thấy, việc lập quỹ có giúp cho EVN giảm lỗ không, trên thế giới có nước nào lập quỹ này không và kinh nghiệm thành công hay không thành công ra sao?
Còn PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học về giá cả lại nhìn nhận: Việc hình thành quỹ bình ổn giá là cần thiết cho các ngành kinh doanh chịu rủi ro lớn về giá. Nhưng “nguồn hình thành quỹ phải từ cả hai phía, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không thể bắt người tiêu dùng ứng trước như quỹ bình ổn xăng dầu. “Đã là dự phòng rủi ro trong kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải trích ra từ lợi nhuận. Mặt khác, cơ chế hình thành quỹ bình ổn phải minh bạch: nguồn hình thành quỹ từ đâu, sử dụng và quản lý ra sao cho có hiệu quả”, ông Long cho biết.
Theo một chuyên gia về ngành điện, về bản chất, chính người dân phải góp tiền vào quỹ bình ổn, vì quỹ trích từ giá thành bán điện. Việc hình thành quỹ về cơ bản chỉ có ý nghĩa giảm lỗ cho EVN trong khi lỗ thì đã có quỹ gánh và làm tăng gánh nặng cho người dân. Ngay trong cơ chế điều chỉnh giá, khi các yếu tố đầu vào giảm, trích quỹ rồi thì EVN mới phải giảm giá điện bình quân. Vì vậy, việc hình thành quỹ vào thời điểm nào cũng cần cân nhắc.
“Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tỏ ra kém hiệu quả và đang được xem xét để bãi bỏ vậy việc lập quỹ này có cần thiết không? Quỹ này trích từ tiền điện của dân nhưng trong cơ chế quản lý quỹ không hề có đại biểu của dân tham gia quản lý là thiếu dân chủ. Thực chất, quỹ này được trích lập từ giá điện cao hơn giá thành nhưng tách riêng để khi nào lỗ mới cho EVN sử dụng. Nếu vậy có hiệu quả gì hơn nếu để EVN tự hạch toán, tự bù lỗ không?”, TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.