Gồng mình với giá xăng dầu

Vận tải, vật liệu xây dựng là những ngành hàng chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu tăng.

Đã quá quen với việc giá xăng tăng đột ngột, các doanh nghiệp (DN) không còn sốc khi giá xăng dầu bất ngờ tăng vào trưa 22-4.

Khó càng thêm khó

Dù vậy, theo nhiều DN, quyết định tăng giá xăng dầu lúc này khiến họ đã khó lại chồng thêm khó.

Đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm..., giá xăng dầu tăng tác động không đáng kể lên giá thành nên DN chưa tính đến phương án tăng giá bán. DN ở các ngành khác cũng đang tập trung kìm giá để giữ khách hàng. Ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho biết cước vận chuyển đã tăng 200% - 250%, một số nguyên liệu cũng tăng nhẹ từ đầu năm đến nay nhưng công ty đang nỗ lực giữ giá bán. “Thị trường ế ẩm, chúng tôi có hệ thống phân phối tốt và khách hàng “ruột” mà doanh thu vẫn giảm khoảng 10%, nếu tăng giá lúc này sẽ bán chậm ngay. Khi nào “gồng” hết nổi mới tính chuyện tăng” - ông Vinh nói.

Theo một số siêu thị trên địa bàn TP HCM, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua tăng trưởng thấp so với mọi năm nên cũng ít nhà cung cấp đòi tăng giá. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết do thị trường chung còn ảm đạm nên cả nhà sản xuất, cung cấp và nhà bán lẻ đều rất cân nhắc trước quyết định tăng giá bán. Muốn điều chỉnh giá, nhà cung cấp phải chứng minh được các yếu tố cấu thành giá thành tăng, siêu thị kiểm tra, đối chiếu với mặt bằng giá chung của thị trường rồi mới quyết định. Hiện nay, DN cần có thời gian tính toán lại chi phí nên giá cả hàng hóa tạm thời chưa có biến động.

Gồng mình với giá xăng dầu - 1

Vật liệu xây dựng chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu tăng Ảnh: HỒNG THÚY

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng giá xăng không ảnh hưởng tức thì đến giá cả hàng hóa tiêu dùng nhưng sẽ gây khó khăn cho các DN vận tải, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp. Đối với hệ thống siêu thị, sau mỗi đợt điều chỉnh giá xăng, khoảng 2 tuần đến 1 tháng mới tác động đến hàng hóa. “Trong thời gian đó, sẽ có sự thỏa thuận, tính toán về giá cả giữa nhà cung ứng và nhà phân phối. DN phải có văn bản điều chỉnh, viết lại giá, nhập số liệu vào máy… nên không thể nói tăng là tăng ngay được” - ông Phú nói. Theo ông, hiện nay có một số mặt hàng đang bán rất chậm, sức mua yếu, tồn kho vẫn đáng lo ngại nên không phải mặt hàng nào cũng tăng giá. “Hàng hóa không tăng giá được sẽ rất khó cho các DN. Các siêu thị vận chuyển nội bộ thì buộc phải cắt giảm một số chi phí nên trước mắt túi tiền của nhân viên sẽ bị ảnh hưởng” - ông Phú phân tích.

Vận tải, xây dựng khó giữ giá

Theo ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đại Duy (Nam Định), nhiều DN vận tải nhỏ trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng bởi khó chống chọi được chi phí tăng cao do Bộ Giao thông Vận tải siết tải trọng xe và giá xăng dầu tăng. Ông Thạc dẫn chứng kể từ ngày siết tải trọng xe chở hàng, giá xi măng đã tăng từ 8%-10% so với trước, sắt thép cũng tăng tương tự. “Trước kia, xe đầu kéo 6 trục có thể chở 75-85 tấn xi măng mỗi chuyến, nay phải hạ tải còn 45-50 tấn/chuyến. Dù vậy, DN vẫn đang bù lỗ khoảng 6% chi phí. Xăng dầu tăng giá thì lỗ sẽ còn cao hơn nữa” - ông Thạc tính toán.

Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP HCM, cho biết sau khi ngành giao thông siết tải trọng xe, các DN vận tải hàng hóa đã điều chỉnh tăng giá cước ở một số tuyến đường. Nay, xăng dầu cũng tăng bắt buộc DN phải tính toán lại giá cước nhưng tăng bao nhiêu, tuyến nào, mặt hàng nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Riêng vận tải hành khách không bị ảnh hưởng bởi việc siết tải trọng nên chưa có kế hoạch tăng giá cước thời điểm này.

Với ngành vật liệu xây dựng, dù xăng dầu mới vừa tăng nhưng giá mặt hàng này đã rục rịch tăng từ đầu tháng. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, cho biết công ty vừa tăng giá bán thêm 1% do chi phí vận chuyển tăng tới 30% trong thời gian qua. Việc giá dầu diesel tăng 170 đồng/lít sẽ tiếp tục tác động đến giá thành sản xuất. Trước mắt, Thép Việt đang tính toán lại chi phí, đầu tháng 5 có thể điều chỉnh giá bán tăng thêm 1%.

Giá chợ chưa tăng

Khảo sát tại các chợ dân sinh và siêu thị tại TP HCM và Hà Nội sáng 23-4 cho thấy giá cả hàng hóa bình dân chưa có biến động. Tuy nhiên, tại Hà Nội, một số mặt hàng đặc sản các vùng miền chuyển về đã bắt đầu tăng giá. Ví dụ: vú sữa, măng cụt, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc… tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng Ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh, TP HCM), cho biết giá cả hàng hóa ổn định; ngay cả ngành hàng tươi sống như rau củ, thịt cá, tiểu thương vẫn giữ giá để giữ khách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Phương Nhung (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN