Gom bán lá khô, nguy cơ suy kiệt vườn điều

Trong vòng 20 ngày nay, trên địa bàn 2 xã Gia Canh và Phú Vinh, huyện Định Quán (Đồng Nai), nhiều người đổ xô đi gom lá điều khô về bán cho các điểm thu mua. Theo các chuyên gia nông nghiệp, đây là điều lợi bất cập hại.

Rủ nhau đi gom lá điều

Tại các xã Gia Canh và Phú Vinh nhiều người đua nhau vào rẫy tìm thu gom lá điều khô đưa ra bán. Theo chị Lê Thị Anh (xã Gia Canh), từ ngày có vựa và thương lái thu mua lá khô, ngày nào chị cũng vào vườn điều trong xã xin chủ cho quyét, gom lá khô đưa về bán. Có ngày trúng, gom được vài tạ lá thì kiếm được 200.000 đồng…

Gom bán lá khô, nguy cơ suy kiệt vườn điều - 1

Thu gom lá điều khô bán cho hai vựa ở xã Gia Canh và Phú Vinh, huyện Định Quán.

Bà Trần Thị Mai (xã Gia Canh) cho rằng, thấy nhiều người đi kiếm lá điều và nhiều loại lá khô khác đem đi bán kiếm được bộn tiền nên bà cũng đi chứ không biết lợi hại như thế nào. Mấy hôm nay, nghe cán bộ Hội Nông dân nói không nên làm như vậy thì bà nghe và thôi không đi nữa.

Một phụ nữ là chủ vựa thu mua lá điều ở xã Gia Canh cho hay, mỗi ngày bà mua được khoảng 7 tấn lá khô, với giá 1.000 đồng/kg. Sau khi mua, bà phun nước, ủ lá điều cho mục để bán cho khách hàng. Bà này cũng cho biết mình không biết khách mua lá điều về để làm gì chỉ đoán là họ mua về để sản xuất phân hữu cơ… “Có người đến mua bảo về làm phân, rồi được giá thì tôi bán. Thực chất tôi cũng không biết họ mua rồi chế biến, xuất đi đâu…” - bà này cho biết thêm.

Còn chủ vựa thu mua lá điều khô ở xã Phú Vinh thì nói giá mỗi kg điều và các loại lá khác từ 700 đồng đến 1.000 đồng/kg, tùy theo độ ẩm. Ông này cũng cho biết là mình mua rất nhiều lá khô các loại chứ không nhất thiết là lá điều.

Đừng vì cái lợi nhỏ


Ông Lê Văn Sỹ ở xã Phú Vinh cho biết: Gần đây thấy một vài người đến xin quyét lá điều khô, nói là vệ sinh vườn nhưng ông nhất quyết không cho. Mọi năm ông vẫn giữ nguyên lớp lá điều khô dưới tán cây. Đến mùa mưa, lá phân hủy sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi cây…

Trao đổi với PV sáng 26.11, bà Nguyễn Thị Dòn-Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Định Quán cho biết: Ở Định Quán vừa phát sinh 2 điểm thu mua lá khô tại xã Gia Canh và Phú Vinh, trong đó có lá điều - trừ một số ít lá họ không mua như lá gừng. Việc người dân đi gom lá khô trong vườn, rẫy đưa đi bán xem ra “lợi bất cập hại”.

Ông Trần Quang Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết: Huyện đã chỉ đạo cho các địa phương, khuyến cáo người dân không nên vì cái lợi trước mắt mà tận thu lá điều khô để bán. Nên giữ lá khô trong vườn để chống xói mòn dinh dưỡng...

“Mỗi năm rụng lá một lần, lá khô rụng xuống sẽ che phủ rễ điều, chống được xói mòn. Nếu nhiều người gom sạch lá điều khô đưa đi bán, sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt dinh dưỡng trong đất, làm giảm chất lượng, năng suất trái. Do đó, khuyến cáo người nông dân không nên gom sạch lá điều khô, dù có lợi trước mắt”- bà Don nói.

Bà Dòn cũng nhận định, lá cây khô các loại, trong đó có lá điều là loại chất xơ rất cần cho các nhà sản xuất phân bón hữu cơ. Ví dụ như khi nhà sản xuất đã có phân bò, phân heo, phân gà… thì bắt buộc phải có các loại lá khác mới chế biến thành phẩm phân bón đưa ra thị trường. Còn việc, có xuất khẩu lá điều khô ra nước ngoài hay không thì hiện bà chưa có thông tin.

Theo ông Vũ Quốc Ái-Phó phòng Kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, nếu nói về dinh dưỡng thì lá điều rất ít hàm lượng và lâu phân hủy hơn các loại lá khác. Trong khi đó, ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở vừa phát công văn yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền huyện Định Quán và cơ quan công an làm rõ tình trạng, mục đích thương lái "đặt hàng" cho người dân đi gom lá điều khô. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Thuyên (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN