Gỡ mớ “bòng bong” thủ tục đầu tư

Có quá nhiều thủ tục phiền hà, chồng chéo từ trung ương đến địa phương. Lập một dự án phải xin… 130 con dấu.

Với mong muốn cải cách thủ tục để đẩy mạnh thu hút đầu tư, sáng 13-9 tại TP Đà Nẵng, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức đã tổ chức Hội thảo về giải phápCCTTHC trong thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

Mở đầu hội thảo, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ), cho biết: “Công tác cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Những bất cập này vừa làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và làm cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Tới đây, hội đồng sẽ trực tiếp tư vấn và đề xuất với Thủ tướng các sáng kiến cải cách theo hướng xây dựng một quy trình thủ tục thống nhất, công khai minh bạch trong toàn quốc và cắt giảm những thủ tục không cần thiết”.

Bộ ngành, trung ương cũng rất “nhiều cửa”

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết TP Đà Nẵng luôn xác định CCHC là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển nên đã cắt giảm hoặc dẹp bỏ ngay các TTHC do các ngành đặt ra gây cản trở cho doanh nghiệp (DN). Các sở, ban, ngành của TP cũng được yêu cầu phải công khai, minh bạch và đồng hành với DN từ lúc bắt đầu thực hiện thủ tục đầu tư cũng như những lúc DN gặp khó khăn. “Nhưng không thể tránh khỏi hiện tượng ở một số dự án vẫn còn gây khó khăn cho nhà đầu tư, một số nơi còn lợi dụng kẽ hở để tiêu cực. Tuy nhiên, những sự việc này không phổ biến” - ông Khương thừa nhận.

Gỡ mớ “bòng bong” thủ tục đầu tư - 1

Ông Võ Quang Huệ: “Việt Nam nếu không mạnh mẽ CCTTHC hơn nữa thì sẽ rất khó cạnh tranh nổi với Myanmar, Indonesia”. Ảnh: LÊ PHI

Theo ông Khương, tính nhất quán tại một số bộ, ngành trung ương trong việc ra văn bản còn chưa cao, hướng dẫn chưa rõ ràng nên các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện. “Các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương phải cải cách, phải một cửa liên thông nhưng thực tế mỗi lần chúng tôi ra làm việc với các bộ, ngành thì vẫn phải qua rất nhiều tầng nấc. Chúng tôi vẫn phải đi qua rất nhiều cửa, nhiều vụ, phải chờ đợi rất lâu để hồ sơ được giải quyết nên cũng mệt mỏi lắm. Mình là chính quyền đi làm còn mệt như thế huống chi các chủ đầu tư họ không mệt sao được” - ông Khương thẳng thắn.

Cùng quan điểm với ông Khương, ông Fred Burke (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng Tư vấn), cho hay: “Hiện có rất nhiều thủ tục đơn giản nhưng DN phải đi xin phép các cơ quan trung ương. Đã vậy, khi ra trung ương làm thủ tục thì mất rất nhiều thời gian, làm việc với nhiều đầu mối, thư từ giải quyết cũng rất lâu nên các DN rất ngán. Chưa kể một số dự án đang triển khai thì đã thấy các bộ, ngành liên tục ra nhiều quy định mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư”.

Lập một dự án phải xin… 130 con dấu

Ông Đậu Anh Tuấn (Phó trưởng Ban Pháp chế - phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết kết quả điều tra hơn 8.000 DN trong nước cho thấy thủ tục gây khó khăn và phiền hà nhất là thuế, đất đai-tài nguyên môi trường, đăng ký kinh doanh-cấp giấy chứng nhận đầu tư và xây dựng. Các thủ tục phiền hà đối với các DN FDI cũng tương tự nhưng có thay thứ tự chút ít: Đăng ký kinh doanh - cấp giấy chứng nhận đầu tư, thuế, xây dựng, đất đai - tài nguyên môi trường.

Theo ông Tuấn, đang có ít nhất sáu luật, 10 nghị định, chín thông tư và 20 văn bản hướng dẫn liên quan tới thủ tục thực hiện dự án đầu tư. Các văn bản này lại không giống nhau, hiểu theo cách nào cũng được. Các TTHC chồng chéo, phức tạp và không thống nhất nên rất khó thực hiện. Đó là chưa kể đến việc còn nhiều đầu mối, trùng lặp hồ sơ, quy trình phức tạp… và thời gian giải quyết thì không tiên liệu được là phải mất bao nhiêu ngày.

“Có nhiều thủ tục lớn rồi còn nhiều thủ tục con, cháu nữa... Có DN từng than phiền với chúng tôi rằng họ phải xin tới 130 con dấu và phải đút lót cho tám nơi với số tiền 18 tỉ đồng để có đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng. Trên thực tế, để đảm bảo dự án được triển khai suôn sẻ, các nhà đầu tư phải nhờ đến một “ông to” có chức, có quyền để bảo lãnh” - ông Tuấn cho hay.

Nhiều đề xuất táo bạo

Để tháo gỡ, ông Đậu Anh Tuấn (Phó trưởng Ban Pháp chế, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đề xuất: Các đơn vị chức năng cần đơn giản hóa hồ sơ, chuẩn hóa mẫu biểu, bỏ bớt các giấy tờ không cần thiết và xây dựng các mô hình chuẩn để khuyến nghị các địa phương cùng áp dụng. Về lâu dài, ông Tuấn khuyến nghị: “Cần sửa đổi các luật có liên quan như đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường… và ban hành Luật TTHC về đầu tư cũng như có cơ chế kiểm soát, đánh giá hiệu quả. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tư duy và cách làm của các bộ, ngành trung ương và các địa phương”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Huế (Phó phòng Kiểm soát TTHC, Cục Kiểm soát TTHC Bộ Tư pháp) lại đưa ra các đề xuất táo bạo hơn. Đó là: Bãi bỏ các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư; không yêu cầu nhà đầu tư xin giấy phép quy hoạch mà các nội dung của giấy phép được thể hiện ngay trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; không yêu cầu nhà đầu tư phải có văn bản xác nhận hoặc thẩm định về nhu cầu sử dụng đất của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường... “Thay thế cam kết về bảo vệ môi trường bằng biện pháp yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường để công khai tại nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh và gửi cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra. Nghiên cứu, phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho chủ tịch UBND cấp tỉnh theo loại dự án (hiện nay muốn chuyển đổi đất lúa phải xin phép Chính phủ)” - ông Huế nói.

Đại diện cho DN, ông Võ Quang Huệ (Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, Đại diện phòng Thương mại châu Âu) nhận định: “Việt Nam nếu không cải cách thủ tục mạnh mẽ hơn nữa thì sẽ rất khó cạnh tranh nổi với Myanmar, Indonesia trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cải cách đầu tiên và quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm là từ bộ, ngành đến các địa phương phải thực hiện đúng luật. Hiện nay cùng một điều luật, một quy định nhưng mỗi bộ, ngành và mỗi địa phương lại có mỗi cách làm khác nhau”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phi (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN