Giữa thung lũng nuôi con đặc sản mà thu trăm triệu
Những năm qua, nhờ được các cấp Hội nông dân tập huấn, dạy nghề, anh Cà Văn Tiềm, dân tộc Thái, bản Na Ngua, xã Mường Lựm (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn bỏ nương ngô, nương sẵn chuyển đổi sang nuôi dê núi, lợn rừng.
Là một trong hàng chục nghìn hộ dân phải di chuyển để nhường đất cho nhà máy thủy điện Sơn La, năm 2008, anh Cà Văn Tiềm và gia đình cùng nhiều hộ dân khác di dân từ xã Chiềng Lao, huyện Mường La về bản Na Ngua, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu.
Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cấp đất để ổn định cuộc sống ở nơi ở mới nhưng do chưa định hướng được phải trồng cây gì, nuôi con gì nên sau một thời gian, cuộc sống anh Tiềm vẫn bị “căn bệnh” đói nghèo bám víu năm này qua năm khác. Đang ở cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, không cam chịu cảnh nghèo đói, anh Tiềm quyết tâm “bắt” nương ngô, nương sắn cùng gia đình làm giàu.
Anh Tiềm chăm sóc đàn dê. Ảnh: Tuệ Linh.
Năm 2012, sau khi thu hoạch xong nương ngô, nương sắn, tận dụng diện tích đất rộng gần 2ha nằm giữa thung lũng đá vôi, anh Tiềm cùng vợ vào rừng chặt cây tre, mua lưới B40 làm chuồng trại để hiện thực hóa ý tưởng làm giàu từ chăn nuôi con đặc sản. Ban đầu, do kinh tế còn hạn hẹp anh Tiềm mua 5 con lợn rừng (3 nái, 2 đực); mua 10 con dê địa phương (8 con cái, 2 con đực) về thả trong thung lũng.
Nhờ được chăm sóc tốt, lại được nuôi cách bản Na Ngua hơn 3 cây số, nên đàn lợn rừng, dê núi của anh Tiềm sinh trưởng, phát triển rất tốt. Một năm sau, niềm vui như được nhân đôi khi cả 3 con lợn rừng nái đều trở dạ. Mỗi con đều đẻ liền cho anh Tiềm 6 – 7 con lợn rừng con. Số đàn dê cũng tăng lên gấp đôi so với ban đầu.
Thấy mô hình hiệu quả, đầu năm 2014, anh Tiềm vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCS mua thêm 2 con nái và 1 con đực ở huyện Mường La về thả cùng.
Theo anh Tiềm, nếu không biết cách chăm sóc, dê núi thường hay bị bệnh tụ huyết trùng, bệnh đậu dê, bệnh tiêu chảy. “Muốn dê không bị bệnh và phát triển tốt, ngoài khâu chọn được con giống tốt, tuyệt đối không nên chăn thả dê vào buổi sáng sớm vì khi đó cây cỏ đang có nhiều sương dê ăn vào dễ bị bệnh tiêu chảy. Trời mưa nên nhốt dê trong chuồng, cho dê ăn cỏ khô, sắn, ngô, muối. Chuồng trại phải làm cao ráo, thoát nước; mặt sàn làm bằng tấm gỗ, thanh tre cách nhau vài phân đủ lọt phân và đủ để tránh dê con không bị lọt chân; chuồng cách mặt đất khoảng 80 – 90 phân. Không chăn thả dê ở những nơi trũng, lầy có nước tù đọng dễ làm dê mắc bệnh giun sán, tiêu chảy” – anh Tiềm, chia sẻ.
Cũng theo anh Tiềm, dê cái rất mắn đẻ, khoảng 6 – 7 tháng/lứa; loài động vật này ăn nhiều loại thức ăn nên rất dễ nuôi và nhàn. Tuổi giao phối của dê cái là 8 tháng tuổi, dê đực khoảng 5 – 6 tháng tuổi.
Đàn dê và lợn rừng mang lại thu nhập khá cho anh Tiềm. Ảnh: Tuệ Linh.
Chia sẻ thêm về bí quyết nuôi thành công con lợn rừng, anh Tiềm tiết lộ: “Lợn rừng sau khi thuần hóa xong rất dễ nuôi. Chúng đẻ rất mắn, mỗi năm 2 lứa. Thức ăn rất đơn giản chỉ cần thả cho ăn chúng ăn cây chuối, các loại rau, cây lá trên rừng là được. Thời gian lợn rừng mẹ đang cho con bú, bổ sung thêm cám ngô, gạọ. Lợn rừng có sức đề kháng rất tốt nhưng chúng lớn khá chậm. Một năm đạt trọng lượng từ 30 – 40kg tùy từng con. Lợn thả rông này hầu như không bao giờ bị bệnh. Nếu có cũng chỉ là bệnh tiêu chảy, chỉ cần bổ sung lá ổi, nhọ nồi vào bữa ăn hàng ngày lợn sẽ mau khỏi bệnh.
Đến nay, trang trại nuôi toàn con đặc sản của anh Tiềm có 30 con dê núi, 20 con lợn rừng. Với giá bán dê thịt dao động từ 110.000 – 115.000 đ/kg; giá bán lợn rừng từ 130.000 – 150.000 đ/kg, mỗi năm gia đình anh Tiềm thu lãi gần 100 triệu đồng.