Giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà dùng thừa được bán 0 đồng

Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán 0 đồng.

Tại dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Theo dự thảo, loại điện này nếu không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích lắp hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng. Đề xuất này giữ nguyên so với bản thảo Bộ Công Thương đưa ra cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, dự thảo lần này bổ sung quy định giới hạn công suất lắp đặt với điện mái nhà tự dùng. Theo đó, công suất đăng ký lắp đặt phải dựa trên sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu dùng thực tế của hộ dân. Tức là, ở thời điểm đăng ký lắp đặt, công suất hệ thống điện mái nhà phải thấp hơn nhu cầu sử dụng của hộ dân.

Với dự án công suất trên 500 kW, người dân phải có lắp hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.

Tổng công suất lắp điện mái nhà tự dùng không được vượt mức phân bổ cho từng khu vực, miền. Cụ thể, tới 2030, miền Nam phát triển tối đa 1.110 MW ở phía Nam; miền Bắc là 927 MW, còn lại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (560 MW). Việc này, theo Bộ Công Thương, tránh điện mái nhà phát triển vượt công suất quy hoạch, ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn, vận hành hệ thống điện.

Trước đó, Bộ này từng đề xuất chủ đầu tư không phải xin phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư hay lập dự án theo Luật Điện lực, Đầu tư. Tại dự thảo lần này, họ đều phải đăng ký với Sở Công Thương dù dự án đấu nối với lưới điện hay không. Hồ sơ đăng ký gồm bản vẽ mặt bằng, hoặc thiết kế sơ bộ và được tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục. Bù lại, họ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, không phải chuyển đổi đất.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ ưu tiên ngân sách để phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công. Các công trình này được xác định là tài sản công.

Tới cuối 2022, công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2020. Đến hết tháng 7/2023, còn khoảng 1.000 hệ thống điện này, công suất 400 MW nối với lưới chờ bổ sung vào quy hoạch. Số này vẫn đang vướng vì thiếu cơ chế thực hiện.

Nguồn: [Link nguồn]

Trước nguy cơ thiếu điện mùa khô, Thủ tướng yêu cầu có các giải pháp đồng bộ để bảo đảm cung ứng năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN