Giữ chân doanh nghiệp ngoại
Cần có một cơ quan làm tổng chỉ huy việc thu hút đầu tư bởi hiện nay có nhiều bộ, ngành tham gia gây chồng chéo.
Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với những nhà đầu tư nước ngoài ngày 30-8, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thuế, đất đai, lao động và thủ tục hành chính… Những vướng mắc này đang ảnh hưởng mạnh đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ðại diện các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài phát biểu tại hội nghị
Rào cản thủ tục
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamaguchi Kimio, cho rằng thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt mức độ mà nhà đầu tư kỳ vọng từ các vấn đề hằng ngày đến thủ tục hành chính. Cụ thể như dịch vụ logictis, cơ sở hạ tầng, an toàn giao thông vẫn chưa cải thiện nhiều. Ðặc biệt, thủ tục hải quan vẫn còn nhiều phức tạp. Chính sách lao động cũng đang tạo ra nhiều hạn chế, chẳng hạn như việc thông báo tăng lương tối thiểu vào giữa năm nay đã làm không ít DN gặp khó khăn trong cân đối ngân sách...
Ðề cập đến thủ tục, chính sách lao động, bà Nguyễn Hải Thảo (đại diện Trường RMIT) nêu nhiều vướng mắc, trong đó có quy định về việc không cho trả lương người nước ngoài bằng ngoại tệ. Ông Pakr In Chi, Trưởng Ban hỗ trợ Kinh doanh Hiệp hội DN Hàn Quốc, than phiền gần đây một số thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, cải cách tiền lương, quy định của Luật Lao động... đã làm tăng khó khăn khiến không ít DN đã dừng, thu hẹp sản xuất tại Việt Nam. Ông cũng cho rằng việc đăng ký đầu tư lại cũng còn nhiều bất cập...
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Châu âu tại Việt Nam, bà Nicola Connolly, thông tin theo kết quả khảo sát về môi trường đầu tư mới đây, các thành viên tham gia khảo sát quan ngại hơn về những vấn đề lạm phát của Việt Nam. Mặc dù kỳ vọng dài hạn sẽ thay đổi, nhưng 20% DN được khảo sát cho biết họ có ý định di dời đến các quốc gia khác ở khu vực châu Á. 18% trong số những DN này cho rằng các vấn đề tiền lương, lao động, quy định hành chính… tại Việt Nam chưa thuận lợi. "Những quyết sách đúng hôm nay sẽ góp phần quyết định tương lai của Việt Nam trong chuyện thu hút đầu tư nước ngoài" - bà Nicola Connolly, nhận xét.
Tạo sân chơi bình đẳng
Cũng theo bà Nicola Connolly, điều quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh cải cách khối DN Nhà nước, bởi khối này đang được nhiều ưu tiên từ các chính sách tín dụng, đất đai. Ðồng thời phải nâng cao chất lượng lao động để phù hợp với chính sách hạn chế ngành thâm dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu DN. Ðồng quan điểm, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Mỹ, cho rằng Việt Nam đang gặp phải tình trạng trì trệ, nhất là trong việc giải quyết vấn đề nợ đọng của DN nhà nước. Ông đề nghị cần đẩy nhanh cải cách DN nhà nước, đồng thời đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, nguồn điện… "Cần tạo ra một sân chơi bình đẳng của hai khối DN trong nước và nước ngoài" - ông Herb Cochran nói.
Theo Luật sư Lê Nết, đại diện Công ty Luật LNT, vấn đề cơ bản của cải cách là làm sao chuyển từ cách tiếp cận trọng hình thức sang dựa vào nội dung. Cần thiết phải có một cơ quan đứng đầu, làm tổng chỉ huy về thu hút đầu tư bởi hiện nay có nhiều bộ, ngành tham gia, nhiều quan điểm khác nhau sẽ làm khó DN.
Chủ trì hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng cách tiếp cận vấn đề của lãnh đạo cũng như các ngành vẫn là nhìn vào bản chất chứ không nhìn vào hình thức nhưng thực tế không đơn giản. Ông đưa ra ví dụ không ít DN có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên báo lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Ðể xác định được các DN này có chuyển giá hay không là khó và đây là điều lãnh đạo TP rất quan tâm. Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết TP đã đề xuất với các bộ, ngành khi đưa ra chính sách phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các DN làm ăn đúng luật...
Xúc tiến đầu tư tại chỗ Theo ông Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Ðầu tư), hiện là thời điểm vàng để Việt Nam cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các DN làm ăn chân chính, có thiện chí. Ông Hoàng cho biết sắp tới, Nghị định 108 hướng dẫn thi hành Luật Ðầu tư sẽ có nhiều điểm mới để phù hợp và tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những mục tiêu cần hướng tới là cải thiện môi trường đầu tư, trong đó chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ để thu hút DN. |