Giật mình chuyện mua vỏ hộp sữa giá cao

Gần đây xuất hiện nhiều người làm nghề buôn bán đồng nát chuyên thu mua vỏ lon sữa bột với giá cao bất thường. Những vỏ lon sữa này trước đây họ mua tính bằng cân thì bây giờ tính theo chiếc và có giá cao hơn tới chục lần so với bình thường.

Vỏ hộp càng xịn, giá càng cao

Chứng kiến vụ mua bán đồng nát giữa chị Triệu Thị Bích Hà, đường Hoàng Công Chất, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) với một người phụ nữ mua đồng nát khiến chúng tôi khá ngạc nhiên, vì người này yêu cầu giữ nguyên vỏ hộp sữa. Trong đống đồng nát của chị Hà, 4 chiếc vỏ hộp sữa được người mua đồng nát chú ý hơn cả. Chị ta cầm một chiếc hộp đã bị méo lên tỏ vẻ tiếc nuối: “Cái vỏ hộp sữa xịn đẹp thế này mà lại để méo, dập góc tiếc quá”. “Em tưởng chị đi mua đồng nát thì đồ nát thế nào cũng được, sao phải yêu cầu lành lặn”, chúng tôi thắc mắc. “Lành lặn thì tôi mua theo chiếc, còn móp, méo thì mua theo cân”. “Chị mua theo cân có phải rẻ hơn không, mua hộp làm gì cho đắt. Giá một chiếc vỏ bằng cả một cân sắt”. “Hộp sữa tôi thích mua chiếc, giá cao hơn nhiều cũng được, lần sau giữ lành lặn, còn vỏ hộp, không để bị rỉ sét, xước, tôi mua giá cao cho đỡ phí”.

Giá mua vỏ hộp sữa mà chị đồng nát cho biết là từ 2.000 - 5.000 đồng/hộp. Chẳng hạn như các loại vỏ hộp sữa ngoại nhập loại lon 900g có giá 5.000 đồng, lon 400g giá 3.000 đồng; Vỏ hộp sữa nội có giá thấp hơn, loại 900g là 3.000 đồng/lon, loại nhỏ là 1.000 đồng/lon…

Khi trả lời câu hỏi của chúng tôi thu gom vỏ hộp sữa nguyên lành để làm gì, chị bán đồng nát cho biết là mua theo đơn đặt hàng của đại lý bán sữa. Họ đặt mua để trưng bày đặt trước cửa hàng cho bắt mắt. Tuy nhiên, khi chúng tôi căn vặn rằng, nếu những đại lý đó muốn có thể yêu cầu hãng sữa tự sản xuất lon không cần thu gom kiểu nhỏ lẻ, chị bán đồng nát thủng thẳng: "Tôi không biết, vì có người đặt hàng thì mua giúp thôi".

Nhiều phụ huynh được hỏi giật mình cho biết, trước đây không để ý cũng bán lon sữa cho đồng nát với giá từ 2.000- 5.000 đồng/chiếc. Sau này, có người mua đồng nát còn trả giá tới 6.000- 7.000 đồng/chiếc.

Sau vụ triệt phá cơ sở sản xuất sữa giả ruột ở TP Hồ Chí Minh, nhiều phụ huynh cũng tỉnh ngộ về việc bán vỏ lon sữa nguyên hộp trước đây. Chia sẻ trên diễn đàn “Làm cha mẹ”, đã có nhiều thành viên bày tỏ quan điểm phản đối hành vi thu gom vỏ lon sữa. Nickname phuongthaopn chia sẻ: “Trước đây em thấy mua vỏ lon sữa cũng bình thường vì nghĩ họ mua lấy vỏ nhôm, vỏ sắt để nấu lại. Nhưng gần đây, thấy nhiều người cứ đòi mua nguyên vỏ hộp sữa và sẵn sàng trả giá cao, mới đây lại có thông tin làm sữa giả ruột thì mới biết đúng là mình vô tình tiếp tay cho bọn làm sữa giả mà không biết”. Còn nickname viettienbm thì than thở: “Làm ăn kiểu này thì tự người Việt giết lẫn nhau thôi. Người lớn tham lam, trẻ em phải chịu hậu quả”.

Nên đập bẹp vỏ hộp sữa đã dùng hết

Giật mình chuyện mua vỏ hộp sữa giá cao - 1

Xuất hiện nhiều đồng nát mua vỏ hộp sữa cũ.

Cũng trên diễn đàn “Làm cha mẹ”, nickname vubichha đã lên tiếng kêu gọi: “Các mẹ ơi, giờ vỏ hộp sữa dùng xong hãy đập bẹp mới mang đi đổ bỏ hoặc bán đồng nát nhé, không con mình lại bị ăn phải sữa giả ruột đấy”… Nhiều bà mẹ còn chia sẻ kinh nghiệm phân biệt sữa giả và khuyên nhau không nên mua sữa rẻ vì rất có thể đó là sữa giả.

Trên một trang Facebook cá nhân, một bà mẹ trẻ đã kêu gọi: "Không tiếp tay cho bọn thu mua vỏ sữa ngoại giá cao. Đập bẹp vỏ hộp sữa trước khi bỏ đi là góp phần chống lại nạn làm sữa giả cho trẻ".

Đại diện hãng sữa Abbott tại Việt Nam cho biết, bất kỳ công ty sữa uy tín nào cũng đều sợ sản phẩm của mình bị làm giả, nhái. Sự vụ cơ sở sản xuất sữa giả Ensure vừa qua ảnh hưởng nhiều đến uy tín, hình ảnh của thương hiệu. Nhưng điều quan trọng hơn cả là có thể hàng trăm, hàng ngàn người tiêu dùng, trong đó có cả trẻ em, đã uống phải sữa giả và có thể gặp những vấn đề nguy hiểm về sức khỏe. Vì vậy, việc chọn sữa ở những địa điểm bán hàng tin cậy là điều đầu tiên người tiêu dùng cần thực hiện để tránh cho con em, người thân của mình uống phải sữa giả.

Người này cũng nói thêm, không có chuyện hãng hay đại lý của hãng thu gom lại vỏ hộp sữa. Vì quy trình sản xuất vỏ hộp khá nghiêm ngặt và khép kín từ việc thổi vỏ đến đóng hộp sữa thành phẩm nên hành vi mua lại vỏ hộp là khuất tất, cần cảnh giác.

Chị Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Đối ngoại của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk cũng khẳng định, đơn vị này không có chính sách thu mua vỏ hộp sữa cũ, kể cả trong các mục đích liên quan đến trưng bày, quảng bá.

Ông Nguyễn Viết Trần Hữu Đức, phụ trách quan hệ đối ngoại Công ty Nutifood cũng trao đổi với báo chí rằng, đối với các sản phẩm giả mạo thương hiệu thì những nhãn hiệu bán giá cao sẽ bị giả mạo nhiều nhất nhằm trục lợi bất chính lớn nhất. Vậy nên, cách bảo vệ con tốt nhất đối với hành vi làm sữa giả ruột là các mẹ nên đập bẹp vỏ hộp sữa trước khi mang bán hoặc vứt đi để không tiếp tay cho kẻ làm sữa giả.

Các chuyên gia về thực phẩm cho rằng, ngoài những hành động không tiếp tay cho kẻ gian làm sữa giả của các phụ huynh như: Không bán vỏ hộp sữa nguyên lành, đập bẹp vỏ hộp sữa trước khi loại thải... người tiêu dùng vẫn cần sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hạnh (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN