Gian lận xuất nhập khẩu ngày càng tăng
Kinh tế suy thoái làm xuất hiện ngày càng nhiều chiêu gian lận, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu cảnh giác.
Việt Nam đang trở thành “miền đất hứa” cho các hoạt động gian lận, lừa đảo, bởi lẽ doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường thiếu cảnh giác với các chiêu trò của đối tác nước ngoài. Đây là nhận định mà các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Cảnh báo về rủi ro xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và ĐH Luật TP.HCM tổ chức sáng 27-9.
Đưa hợp đồng “béo bở” để du lịch miễn phí
Ông Nguyễn Gia Hảo, trọng tài viên VIAC, điểm lại một số chiêu có thể xem là lừa đảo mà DN Việt Nam thường mắc phải. Chẳng hạn có trường hợp DN nhận được lời chào hàng với giá rất rẻ hoặc lời hỏi mua hàng với giá hời liền mời đối tác đến Việt Nam, dẫn đi tham quan, bao trọn gói ăn nghỉ. Sau cùng, đối tác lặn mất tăm, hóa ra DN “cúng” cho họ một chuyến du lịch miễn phí. Cũng có trường hợp đối tác gửi thư mời DN sang nước họ nhận một giải thưởng. Thấy giải thưởng hấp dẫn quá thế là DN đi nhận, nhận về mới biết giải thưởng chẳng giá trị gì, chuyến đi đấy chỉ đáng giá 2.800 USD nhưng phải chi đến 4.600 USD cho đối tác để mua chuyến đi đó.
Lừa chuyển trước tiền chênh lệch
Có một dạng rủi ro khác thường gặp mà DN không dám kêu ai. Đó là trường hợp đối tác “dụ dỗ” khai giá nhập khẩu thấp để tránh thuế nhập khẩu, thay vì khai 1.200 USD/sản phẩm thì cùng ghi trong hợp đồng là 1.000 USD, khoản tiền chênh lệch 200 USD thì chuyển trước cho đối tác. DN nghe bùi tai, thế là cứ chuyển trước 200 USD/sản phẩm. Đến khi chờ mãi không thấy đối tác giao hàng, DN mới biết đã bị lừa nhưng lại không thể đưa hợp đồng đến cơ quan chức năng nhờ giúp tìm kẻ lừa đảo vì có thể bị mang thêm tội khai gian trốn thuế.
Giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu tại bến cảng.
Chú ý từng chi tiết nhỏ trong bảo hiểm...
Ông Tô Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), cho rằng các DN cũng như nhiều nhân viên hải quan chưa nắm vững các điều kiện thương mại nên dẫn đến nhiều rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính yêu cầu xác định trị giá hàng nhập khẩu chỉ theo một số giá nhất định như FOB, CIF cũng khiến DN lúng túng khi nhập hàng theo các phương thức khác.
Ông Minh cho biết rất nhiều DN sơ hở khi cho rằng các chi tiết nhỏ không quan trọng trong hợp đồng. Ví dụ, DN không để ý đến tuổi của con tàu chở hàng, trong khi đó, tàu càng già thì phí chuyên chở thấp nhưng rủi ro cao và phí bảo hiểm cũng cao. Ngoài ra, DN cần lưu ý thỏa thuận về mua bảo hiểm, nếu không thì đối tác chỉ mua bảo hiểm ở mức tối thiểu, thậm chí họ mua ở công ty nào có giá tốt cho họ chứ không quan tâm đến uy tín hay khả năng tài chính của công ty bảo hiểm. Mặt khác, nhiều DN cứ nghĩ chỉ cần bảo hiểm vận chuyển là đủ nhưng thực tế phải mua cả bảo hiểm hàng hóa thì khi mất cắp mới được bảo hiểm.
Ông cũng cảnh báo trường hợp DN mua hàng và thỏa thuận giao tại cảng TP.HCM, tuy nhiên TP.HCM có rất nhiều cảng và bên bán đã chọn giao ở cảng có chi phí vận chuyển thấp nhất.
Coi chừng lý do “bất khả kháng”
Ông Nguyễn Văn Sự, nguyên Phó Chánh án TAND TP.HCM, hiện là luật sư Công ty Luật LCT, cho biết trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ngày càng có nhiều đối tác thoái thác thực hiện hợp đồng. Một trong các lý do họ thường dùng là “trường hợp bất khả kháng”. Ví dụ gần đây có một DN Việt Nam nhập phân urê. Sau đó, đối tác viện lý do Ukraina bị ngưng cung cấp khí đốt là sự kiện bất khả kháng nên không thể tìm được nguồn hàng để giao. Tuy nhiên, rất may là trong hợp đồng có ghi phân urê nguồn gốc Ukraina hoặc Nga nên DN Việt Nam đã yêu cầu đối tác phải thay bằng phân urê Nga vì ở Nga không có sự kiện bất khả kháng.
Ông Sự cho rằng các DN khi soạn thảo hợp đồng cần lưu ý đến mâu thuẫn giữa các quốc gia vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến hợp đồng của DN. Ngoài ra, sự không ổn định về kinh tế có thể khiến giá hàng hóa có nhiều biến động, DN cần thỏa thuận kỹ lưỡng về khả năng tăng/giảm giá.
Rút ruột container ngày càng tinh vi
Từ năm 2011 đến nay, tại TP.HCM tiếp nhận 46 vụ trộm cắp các loại hàng hóa khi vận chuyển bằng container, tổng thiệt hại khoảng 27 tỉ đồng. Công an TP.HCM điều tra phá 25 vụ, bắt 39 tên trộm cắp, thu hồi được 4 tỉ đồng. Bọn trộm cắp thường xin làm tài xế ở các công ty vận tải, cố tạo lòng tin để được giao vận chuyển mặt hàng có giá trị lớn. Thậm chí, họ còn mua hẳn xe đầu kéo, lập công ty vận tải nhỏ để vận chuyển thuê cho công ty vận tải lớn rồi lấy cắp hàng. Ngay cả với xe có gắn thiết bị định vị thì bọn trộm lấy lý do đưa xe đi vá vỏ, đi đổ xăng để cắt nóc container, trộm hàng, hàn nóc lại, sơn màu như cũ. Do đó, DN nên trang bị thiết bị định vị cho container, xe vận chuyển, chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/thiết bị và vài trăm ngàn đồng mỗi tháng chi phí vận hành. Cái khó hiện nay là thiết bị này cần có năng lượng mới hoạt động được nên container hàng đông lạnh mới thường được trang bị (vì có nguồn cung cấp năng lượng). Bên cạnh đó, DN cần rút kinh nghiệm trong việc lưu giữ bằng chứng về container. Nhiều DN sơ hở, khi nhận container không lưu ý, cứ thản nhiên mở ra rồi không thấy hàng đâu cả thì đã muộn. Theo đại diện Công an TP.HCM |