Giảm xuất khẩu sang Trung Quốc để bớt lệ thuộc
Cơ cấu thị trường cân đối, tìm thêm đầu ra, chủ động tăng giá trị sản phẩm là những giải pháp căn cốt giúp hoạt động xuất khẩu Việt Nam nắm thế chủ động về thị trường.
Trung Quốc (TQ) hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang TQ đạt hơn 4 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Sự lệ thuộc lớn vào một thị trường không ổn định như TQ đã khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu bắt đầu bị ảnh hưởng và buộc phải tìm giải pháp thay đổi.
Chuyển hướng thị trường
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), cho biết, lúc đầu cũng như các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khác, năm nào DN cũng xuất khẩu hầu như 70%-80% thanh long sang TQ. Nhưng từ nhiều năm nay DN đã chuyển hướng. Hiện 60% lượng hàng của DN chủ yếu xuất sang châu Âu có giá trị cao hơn nhiều. thị trường TQ chỉ còn vài phần trăm. Ngoài ra DN còn xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho hay đã có một số DN thoát khỏi sự lệ thuộc thị trường TQ bằng cách xuất thêm nhiều loại trái cây mới. Trước xuất khẩu thanh long, DN nay đã tìm thêm bưởi xuất khẩu và thu được hiệu quả cao, giảm được rủi ro. Cũng đang có nhiều tin vui ở nhiều thị trường khó tính mà DN xuất khẩu nước ta đang đẩy mạnh khai thác như thanh long, xoài sẽ xuất sang New zealand, xoài sang Hàn Quốc, chôm chôm và vải sang Mỹ.
Theo ông Kỳ, ngành rau quả nước ta đang có những chiến lược đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Sản phẩm xuất khẩu đã được chú trọng về chất lượng, bảo quản tốt, đều được xử lý bằng công nghệ chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, kiểm dịch nên đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Xúc tiến thương mại tìm thị trường mới là giải pháp bền vững cho thanh long xuất khẩu. Ảnh: CTV
Nguyên tắc xuất khẩu 3-3-2-1
Đối với ngành hàng thủy sản, TQ vẫn là thị trường lớn thứ tư và đang có khả năng vượt lên trong những năm tiếp theo. Nhiều DN chế biến xuất khẩu nước ta thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng, không đủ hàng để bán cho những thị trường có giá trị cao hơn, ảnh hưởng đến thương hiệu, chất lượng thủy sản nước ta.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ cách để DN không phải bị động phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu đó chính là biết cơ cấu phân bổ thị trường theo nguyên tắc 3-3-2-1. Nghĩa là 30% xuất sang Mỹ, 30% sang EU, 20% sang TQ và 10% sang Nhật, Hàn; còn lại bán nội địa hoặc tìm thị trường mới. Như vậy, xuất khẩu không hề phụ thuộc thị trường nào. nếu xảy ra rủi ro ở thị trường TQ sẽ có thị trường EU hay Mỹ bù đắp. Đồng thời, DN phải thiết lập những vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng từ giống đến nuôi trồng, chế biến.
Một số DN ngành hạt điều cũng đang làm tốt điều này, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhật Huy (Bình Dương), cho biết mặc dù nhu cầu mua hàng từ TQ rất lớn nhưng DN vẫn chỉ giữ ở mức 15%-20% tổng giá trị xuất khẩu. Nếu tăng xuất sang TQ thì những thị trường khác như Mỹ, Nhật hay Úc cũng tăng lên cân đối, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cũng đồng đều.
Cần đầu tư công nghệ chế biến sâu
TQ vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 47% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Sự sụt giảm của thị trường TQ đã khiến ngành cao su mấy năm gần đây khốn đốn vì giá rớt thê thảm.
Một chuyên gia lĩnh vực thương mại cho biết ngành cao su phải đầu tư công nghệ mới để tăng tỉ trọng sản xuất các loại cao su kỹ thuật, phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn. Đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm như lốp xe, linh kiện cao su và sản phẩm cao su lưu hóa, đế giày cao su... Quan trọng là giá trị xuất khẩu thu về chứ đừng chăm chăm số lượng. Ví dụ, Hàn Quốc chỉ nhập số lượng hàng bằng một nửa TQ nhưng vẫn có giá trị xuất khẩu ngang bằng.
Gạo cũng là ngành xuất khẩu lệ thuộc nhiều vào thị trường TQ. Năm 2013, ngành gạo nước ta xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này chiếm hơn 33% trong số 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu. Các DN nước ta đã bị phía DN TQ hủy hợp đồng lớn, áp bán giá thấp, xuất tiểu ngạch khiến nhiều DN thua lỗ.
Trước khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, cho biết năm qua DN đã xuất khẩu được hàng chục tấn gạo thơm, gạo cấp cao 5% tấm sang thị trường Nhật Bản. Để xuất được sang thị trường này, hạt gạo của DN phải đáp ứng gần 600 các loại chỉ tiêu, thị trường này nổi tiếng khó tính nhưng đầy tiềm năng, hằng năm có nhu cầu nhập 700.000 tấn gạo các loại. Thành quả này nhờ vào việc liên kết sản xuất, qua đó đã kiểm soát được quy trình canh tác, sử dụng vật tư, chế biến, bảo quản... đều đảm bảo sạch tuyệt đối. Hiện nay cũng có nhiều DN gạo sản xuất các loại gạo đặc sản, gạo đồ xuất sang thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.
Thay đổi cách tiếp thị Để xuất khẩu quá trình tái cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi phương cách tiếp thị thương mại và phát triển thị trường. Phải tiến hành nghiên cứu cẩn thận thị trường và xúc tiến thương mại một cách bài bản trước hết với những sản phẩm Việt Nam coi là sản phẩm chiến lược. Mỗi DN xuất khẩu phải tự ý thức được chuyện này, bên cạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu thì cần có thêm tiếp thị. Đồng thời, có chiến lược tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi cả nước bắt đầu hội nhập sâu với kinh tế thế giới. TS VÕ TRÍ THÀNH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương “Không bỏ trứng vào hết một rổ”! Nhiều DN hiện nay thích tìm thị trường có sẵn, nơi xuất hiện nhiều rủi ro lớn. Một nguyên tắc quan trọng là không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cụ thể nào. Thậm chí, Intimex luôn tìm những “ngách” thị trường mà các DN thường “chê” như châu Phi, Tây Á hay Đông Nam Á chẳng hạn. Một khi chúng ta đã tìm được các thị trường ổn định thì sẽ chẳng ai làm khó chúng ta được. Nếu họ ép giá, không mua hàng nữa thì chúng ta chọn người khác. Hoặc khi DN có những kho hàng lớn, ai làm khó thì chúng ta bỏ vào kho rồi bán cho người khác. Ngay cả về lựa chọn mặt hàng xuất khẩu, ở đây chúng ta không phải mặt hàng nào cũng làm mà phải chọn những mặt hàng lợi thế hay còn gọi là mặt hàng chiến lược. Sai lầm của nhiều DN hiện nay là thường thích “ăn sẵn”, chủ quan trông cậy vào những thị trường truyền thống, quen thuộc. Trong khi trong buôn bán thì không có gì là ổn định mãi. Ông ĐỖ HÀ NAM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex MAI PHƯƠNG ghi |