Giảm, giãn thuế không cứu nổi DN

Gói hỗ trợ của Bộ Tài chính mới chỉ giúp cho các doanh nghiệp còn khỏe khoắn mà chưa quan tâm tới doanh nghiệp đang khó khăn đỉnh điểm. Giải pháp về thuế là chưa đủ.

14.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể là bình thường?

Chia sẻ với báo chí hôm 4/5, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông tỏ ra khá lạc quan khi nói rằng: "Dư luận gần đây hay nói về con số doanh nghiệp bị phá sản, đóng cửa... nhưng theo quan sát của chúng tôi, đó là một động thái bình thường trong mọi điều kiện của nền kinh tế chứ không phải chỉ duy nhất ở thời điểm khó khăn này. Có thể ở lúc khó khăn này, số doanh nghiệp giải thể phá sản đóng cửa có tăng lên một chút so với bình thường nhưng theo số liệu chúng tôi có được, không phải ở mức độ đáng lo ngại".

Lý do được thứ trưởng Đông đưa ra là tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường so với doanh nghiệp gia nhập thị trường ở Việt Nam vẫn năm trong khoảng trung bình như ở các nước. Theo ông, kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, doanh nghiệp ra khỏi thị trường bao giờ cũng lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ là 5-6%. Ở các nước trên thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp ra khỏi thị trường là 10- 15%. Đó là những con số bình thường.

"Vì thế, chúng ta đừng nói tới những con số tuyệt đối 14.000 hay 15.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, giải thể mà cần đặt con số 14.000- 15.000 đó trên tổng thể doanh nghiệp đã thành lập bao nhiêu. Chúng ta phải rất bình tĩnh để nhìn nhân, đánh giá đúng thì mới có giải pháp chính sách đúng được", ông Đông phân tích.

Rất không đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ, số doanh nghiệp đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp cho người lao động ở Tp HCM tăng 57,5% thì làm sao gọi là bình thường được. Đấy là chưa kể, còn có nhiều doanh nghiệp không nộp đủ bảo hiểm xã hội nên khi đóng cửa, người lao động không xin được trợ cấp. Cho nên số người dân bị thất nghiệp còn cao hơn nhiều.

Ông nói tiếp: "Thậm chí, có cả những doanh nghiệp tuy đang hoạt động nhưng không được ăn lương. Ví dụ như ở lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp cứ xây công trình nhưng chủ đầu tư không trả tiền. Lĩnh vực sản xuất cũng đang khốn khó. Nhập khẩu nguyên vật liệu giảm rất sâu, như nhập bông giảm 30%, nhập sợi giảm 50%... Trước việc nhập khẩu đầu vào sụt giảm mạnh như vậy mà nói là bình thường thì không chấp nhận được".

"Tôi thấy là tình hình năm nay nghiêm trọng hơn và hoàn toàn không bình thường!", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Ông Doanh chia sẻ: "Rõ ràng, nền kinh tế đang rơi vào trì trệ, đang có nguy cơ tăng trưởng thấp, lạm phát cao. Vòng xoáy này rất phức tạp. Cần phải có sự lên tiếng, rung chuông báo động".

Giảm, giãn thuế không cứu nổi DN - 1

Nền kinh tế đang rơi vào trì trệ, đang có nguy cơ tăng trưởng thấp, lạm phát cao. (Ảnh minh họa).

Phải cứu cả doanh nghiệp đã hấp hối

Ghi nhận ý kiến từ nhiều phía cho thấy, giữa các nhà quản lý hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế có sự khác biệt lớn về mức độ trầm trọng của bức tranh doanh nghiệp hiện nay cũng như cách thức cứu doanh nghiệp.

Chẳng hạn như giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, ít ra, kinh doanh đã phải có lợi nhuận, phát sinh thuế thu nhập thì mới có cơ hội được hưởng hỗ trợ trên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khó khăn đỉnh điểm, không thể có kết quả kinh doanh lãi lại không được hỗ trợ.

25.000 tỷ cứu trợ doanh nghiệp là chưa chính xác

Đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo gói cứu trợ bằng thuế, ông Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho hay, con số 25.000 tỷ đồng cứu trợ doanh nghiệp như một tờ báo nêu là chưa chính xác. Kể cả coi đây là con số làm giảm thu ngân sách cũng không chuẩn xác.

Ông Thăng cho biết, Viện mới trình Chính phủ thảo luận. Có nhiều giải pháp như giảm thuế, miễn thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế..., mỗi giải pháp này sẽ liên quan đến một số tiền nhất định và phải được tính toán cụ thể. Có thể hiểu chính xác hơn, đây là gói hỗ trợ tác động vào tổng cầu, cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế bao nhiêu, giãn như thế nào và tính lãi suất để cho ra con số tác động .

"Tuy nhiên, hiện, chưa thể ước tính ngay con số hỗ trợ cụ thể. Chúng tôi đang chờ Nghị quyết của Chính phủ sẽ duyệt những giải pháp nào. Sau đó, chúng tôi mới tính toán tác động về mặt chi phí ở từng giải pháp", ông Thăng cho hay.

Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông bày tỏ: "Tôi thừa nhận là có những doanh nghiệp đã đình trệ sản xuất, không có phát triển được nữa nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều rơi vào tình huống đó. Hiện chúng ta có 450.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có một đặc thù, tình huống riêng, và Chính phủ chỉ có thể đưa ra chính sách chung, lớn, ảnh hưởng đến số đông chứ không thể đi vào thể từng nhóm doanh nghiệp cụ thể được".

"Trong cuộc sống, chuyện doanh nghiệp phát triển rồi thua lỗ là bình thường. Không phải cứ doanh nghiệp thua lỗ, lăn đùng ra là Nhà nước phải chạy đến...", ông Đông nói.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh bức xúc cho rằng, doanh nghiệp vẫn nói vui với tôi: "Chúng em đã nằm trong quan tài chờ chết rồi, muốn cứu chúng em thì phải mở nắp quan tài ra đã thì mới dựng dậy được".

Ông Doanh phân tích, gói giải pháp về thuế của Bộ Tài chính hầu như chỉ mới quan tâm tới những doanh nghiệp còn khỏe khoắn, còn đang hoạt động và có năng lực đóng góp thuế. Đáng lý ra, gói cứu doanh nghiệp phải quan tâm tới cả những doanh nghiệp đang khó khăn nhất, dù họ đã chuẩn bị nằm trong quan tài rồi thì cũng không có lý do gì mà bỏ mặc.

Theo lý giải của TS Doanh, đành rằng, doanh nghiệp chịu phá sản có thể do mắc sai lầm trong kinh doanh, nhưng có nhiều doanh nghiệp khốn khó vì điều kiện bối cảnh kinh tế khách quan. Gói cứu trợ phải đưa ra được các tiêu chí rõ ràng, cụ thể về đối tượng doanh nghiệp được hưởng, ví dụ như doanh nghiệp đã có công nghệ, có hợp đồng, có khách hàng rồi mà thiếu vốn thì nhất thiết phải cứu.

Đánh giá về gói cứu trợ bằng thuế của bộ Tài chính, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu cứu doanh nghiệp chỉ tập trung vào thuế thì chưa đủ.

Vị chuyên gia kinh tế này đề xuất, nhân dịp bàn gói cứu trợ về thuế, Chính phủ nên giảm hẳn thuế suất cho doanh nghiệp ở những sắc thuế đang cao hơn trong khu vực, như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Tài chính cần thiết lập một mức thuế có thể chấp nhận được cho doanh nghiệp Việt Nam còn cạnh tranh.

Ngoài ra, Chính phủ cần có gói giải pháp tổng thể để cứu doanh nghiệp, tác động tới cả cung và cầu, tới cả phần sản xuất và tiêu thụ.

Đơn cử như, Chính phủ cần có các nghiên cứu để khơi thông tình trạng tồn đọng của hàng hóa hiện nay, các giải pháp kích thích tiêu thụ lượng hàng này, như việc khuyến mại qua phiếu mua hàng giảm giá cho người dân, kích cầu tiêu dùng...

Quỹ bảo lãnh tín dụng cần phải phát huy mạnh hơn, để doanh nghiệp đang thiếu vốn có thể vay được, duy trì sản xuất. Ngoài ra, có thể cần nghiên cứu thêm quỹ mua lại nợ của doanh nghiệp bên bờ vực phá sản như vụ công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính mua nợ của công ty thủy sản Bình An.., có thể nhân rộng mô hình này với các tiêu chí rõ ràng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Huyền ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN