Giảm giá “nhỏ giọt”, DN xăng dầu công bố lãi lớn

Trong khi giá xăng dầu chỉ giảm “nhỏ giọt” trong kỳ điều chỉnh ngày hôm qua (18.11) thì doanh nghiệp xăng dầu lại tiếp tục công bố các con số cho thấy mức lãi lớn liên tiếp từ đầu năm tới nay.

Doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2015 vừa công bố hôm 16.11 của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, đơn vị này có doanh thu bán hàng lên đến 121.826 tỷ đồng, lãi trước thuế 2.636 tỷ đồng, vượt cả kế hoạch đặt ra cho năm 2015.

Doanh thu  từ bán hàng, cung cấp dịch vụ Petrolimex ghi nhận 37.030 tỷ đồng trong quý III/2015, giảm 31% nhưng giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh do giá dầu luôn duy trì ở mức thấp. Do đó, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn tăng mạnh lên 3.122 tỷ đồng so với mức 1.994 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Giảm giá “nhỏ giọt”, DN xăng dầu công bố lãi lớn - 1

Chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn là nhờ giá xăng dầu nhập khẩu giảm xuống mức thấp kỷ lục

Kết thúc quý III, Petrolimex đạt 565 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 16% so với quý III/2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, tập đoàn này ghi nhận 121.826 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận trước thuế là 2.636 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra trong cả năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.135 tỷ đồng, tăng 86% so với mức 1.149 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.

Trong khi doanh nghiệp xăng dầu công bố lãi lớn thì giá xăng khoáng và xăng E5 hôm qua chỉ được điều chỉnh giảm 178 đồng/lít, dầu mazut giảm 83 đồng/lít và giữ nguyên giá dầu diezel và tăng giá mặt hàng dầu hỏa 124 đồng/lít. Bộ Công Thương cho biết, bình quân 15 ngày kể từ 3.11 đến 17.11, giá xăng dầu thành phẩm thế giới với xăng RON 92 là 57,049 USD/thùng; dầu diezel là 58,405 USD/thùng; dầu mazut là 235,067 USD/tấn, giảm nhẹ so với kỳ điều hành trước. Như vậy, dù giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh về mốc 40-41 USD/thùng thời gian qua thì giá bán mặt hàng xăng RON 92 trong nước vẫn ở mốc hơn 17.000 đồng/lít.

Khó hy vọng người dân được lợi!

Trao đổi với phóng viên chiều 18.11, PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế thương mại trong nước đã phải thốt lên rằng: “Với điều hành giá xăng dầu như hiện nay rất khó để có thể hy vọng người dân sẽ được hưởng lợi. Thị trường xăng dầu trong nước đã, đang và sẽ còn xảy ra nhiều lần điều chỉnh giá lúc lên thì nhanh, nhiều; giảm thì ít, chậm và rề rà, nhỏ giọt”.

Ông Thắng phân tích: “Các doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua một mặt liên tục kêu Nhà nước giảm thuế, mặt khác luôn tìm mọi cách để “ăn” vào giá xăng dầu bán ra. Họ báo cáo điều hành giá thì luôn thua lỗ, khó khăn để giá xăng dầu giảm ít tí nào hay tí đó nhưng khi báo cáo để bán cổ phần, phát triển cổ  phiếu thì lại lãi hoành tráng. Trong khi đó, cơ quan chủ quản giám sát của Tập đoàn xăng dầu là Bộ Công Thương, vừa quản lý vừa điều hành luôn giá xăng dầu, tức tự đề ra chính sách rồi tự giám sát, thực hiện”.

Vị chuyên gia này đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục lao dốc giảm mạnh. Dầu còn lênh đênh ngoài biển không có ai mua. Xăng dầu trong nước còn sản xuất được một phần… Vậy giá xăng dầu bán ra cho người dân không thể giảm mạnh là sao? Câu hỏi này tôi cho đang cần các bộ ngành quản lý giá xăng dầu giải thích rõ cho người dân”.

Trao đổi với phóng viên sau khi xăng giảm giá “nhỏ giọt” chiều qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đưa quan điểm cho rằng các doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn là nhờ giá xăng dầu nhập khẩu giảm xuống mức thấp kỷ lục. “Rõ ràng, giá dầu thế giới đã giảm rất mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước lại giảm quá ít là điều rất khó hiểu” - ông Long nói.

Với giá xăng dầu như hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn và tích cực đẩy mạnh bán hàng qua đại lý. Doanh nghiệp bán được nhiều hàng, thu về nhiều tiền nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã tăng lên, điển hình như Quỹ bình ổn của Petrolimex giữa hai lần điều hành giá xăng dầu (3.10 và 19.10) tăng tới 110 tỷ đồng (đạt 1.940 tỷ đồng) và hôm nay tiếp tục tăng lên là 2.110 tỷ đồng. “Doanh nghiệp xăng dầu đã chi ra ít hơn và thu về nhiều hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu” - ông Long cho biết.

Theo ông Long, từ lâu các chuyên gia đã kiến nghị các cơ quan chức năng khi giá dầu giảm mạnh thì không nên thực hiện trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lấy số tiền trích quỹ đó giảm vào giá bán xăng dầu cho người dân được lợi. Tuy nhiên, với những điều hành giá xăng dầu hiện nay, Quỹ bình ổn giá luôn được trích lập bằng tiền của người dân. “Các cơ quan quản lý Nhà nước đang làm một việc hết sức phi lý là sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để tránh… giảm giá mạnh cho người tiêu dùng” - ông Long nhấn mạnh.

Thực tế, 3 kỳ điều hành giá gần đây, cơ quan chức năng đều điều chỉnh mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, đơn cử kỳ 19.10 rút mức trích lập quỹ xuống còn 200 đồng/lít xăng, kỳ 3.11 lại trích lập quỹ 300 đồng/lít xăng trở lại như cũ, đến kỳ điều hành hôm qua, mức trích lập quỹ bình ổn với xăng lại chỉ còn 208 đồng/lít mà hoàn toàn không có lý giải.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng: “Với người dân thì đây chẳng khác gì các con số “nhảy múa”, để thấy cơ quan Nhà nước cũng có điều chỉnh bằng các công cụ cho phù hợp theo giá thị trường nhưng rõ ràng khó có ai hiểu có tác dụng gì?!. Người dân chỉ biết, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh còn giá trong nước thì chỉ giảm kiểu “tượng trưng, cho có”. Lẽ ra số tiền giảm từ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở các kỳ điều chỉnh phải được tính để giảm giá cho người tiêu dùng thì các bộ lại tính vào giá xăng nên mỗi lần điều chỉnh chỉ giảm nhỏ giọt”.

Ông Thắng cho rằng trong đợt điều chỉnh giá hôm qua, lẽ ra giá xăng đã có thể giảm gần 300 đồng/lít nếu gần 100 đồng của quỹ bình ổn được lấy để giảm vào giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN