Giảm giá đồ ăn, thức uống ở sân bay Tân Sơn Nhất
Cảng vụ hàng không miền Nam yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá thức ăn, nước uống và cần mở thêm điểm cung cấp nước uống công cộng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Liên quan đến bức xúc của người dân bị chặt chém giá đồ ăn, nước uống tại sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua, nhằm chấn chỉnh tình trạng, sáng nay Cảng vụ hàng không miền Nam đã họp các bên liên quan để giải quyết vấn đề.
Ngay sau nghe báo cáo, trình bày của đại diện sân bay Tân Sơn Nhất, doanh nghiệp đang bán, cung cấp thức ăn, nước uống cho hành khách tại nhà ga quốc tế, quốc nội, bà Minh chỉ đạo phải đưa các mặt hàng thiết yếu vào phục vụ ngay.
"Trước đây, sân bay có bán mì gói, sau hiệp thương giữa các bên, lại không bán, giờ phải bán lại ngay. Tôi đề nghị đưa ngay những mặt hàng thiết yếu giá cả phù hợp, hoặc giảm giá các mặt hàng cơm, phở, nước, miến... phục vụ hành khách. Báo cáo kết quả trễ nhất lúc 16h ngày 17/7", bà Minh nói.
Người đứng đầu cảng vụ miền Nam cũng đề nghị làm những nơi uống nước công cộng miễn phí cho người dân. Đây là trách nhiệm của sân bay, nếu không làm được chúng tôi sẽ báo cáo lên Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải, bà Minh nhấn mạnh.
Trước khi có những chỉ đạo mạnh cho sân bay, giám đốc cảng vụ cũng đã phân tích nhiều khâu về chất lượng, giá cả các loại dịch vụ phi hàng không tồn tại lâu nay, với một bảng kê khai các chênh lệch về giá của 3 đơn vị đang bán hàng trong cụm cảng là Sasco, công ty Autogrill (VFS) và công ty Sóng Việt.
Theo đó, ở ga quốc nội, dù cùng là nước tinh khiết đóng chai 0,5 lít các nhãn hiệu, nhưng có nơi bán 12.000 đồng, có chỗ bán tới 29.000 đồng; bia 333 Sasco bán 25.000 đồng nhưng Sóng Việt tới 49.000 đồng (gần gấp đôi), hay như bánh mì kẹp thịt VFS bán tới 50.000- 67.000 đồng. trong khi đó Sasco chỉ bán 33.000 đồng... Giá thuê mặt bằng tại nhà ga đi trong nước là 600.000 - 720.000 đồng/m2 mỗi tháng.
Đối với khu cách ly ga quốc tế có giá thuê 60 USD/m2 mỗi tháng thì một chai nước tinh khiết từ 2 - 2,5 USD, sinh tố VFS bán đến 7 USD, nước dừa 5 USD... Riêng các mặt hàng ăn trong nhà hàng khu vực này dao động từ 2,5 -12 USD tùy loại.
Đánh giá của Cảng vụ, do hiện nay tình hình kinh tế - xã hội đang khó khăn, đối tượng khách hàng cũng đa dạng hơn, nhiều người chỉ muốn ăn mì gói hoặc uống nước đơn giản, phù hợp túi tiền nên các bên liên quan phải "xắn tay" vào nghiên cứu, giảm giá các mặt hàng trên.
Theo đề nghị của cảng vụ, tại nhà ga quốc nội, nước uống bán từ mức 12.000 -29.000 đồng giảm xuống còn 20.000 đồng là tối đa, cà phê đen đá thay vì bán 35.000 -43.000 thì hạ còn 25.000-35.000 đồng, phở bò gà 65.000 -85.000 đồng nên giảm tới 55.000 đồng là cao nhất, cơm có chỗ treo giá 110.000 đồng thì kịch trần chỉ được 55.000 đồng... Nhà ga quốc tế cũng theo hướng hạ giá thời gian tới.
Cảng vụ hàng không miền Nam họp với các bên liên quan sáng nay.
Kết luận của bà Minh được xem là động thái chỉ đạo quyết liệt nhất đối với sân bay và doanh nghiệp bán hàng trước nay. Đồng tình và hứa chấn chỉnh ngay lập tức, nhưng các doanh nghiệp cũng kêu khó khi phải bán hàng ở khu vực đặc thù này.
"Khi đưa ra khung giá như hiện nay, chúng tôi đã tham khảo các nước khác như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Lào, Đức, thậm chí cả các nơi bán ở khu vực quận Tân Bình, mặt tiền đường Trường Sơn cạnh sân bay... So với những nơi đó thì giá bán ở đây không cao", ông Đoàn Minh Nguyên, Giám đốc công ty Sóng Việt nói.
Theo lãnh đạo Sóng Việt, giá vốn đã lên tới 65%, còn tiền mặt bằng, chi phí này khác... nên chỉ đủ trang trải. Đại diện VFS, ông Nguyễn Hữu Minh thì cho rằng, cơ cấu giá bây giờ là hợp lý, giá vốn đã gần 50%, mặt bằng 20-22%, khấu hao... thì lợi nhuận chỉ còn 10%, 7-8 năm mới lấy lại vốn.
Phó giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất Nguyễn Nam Tiến thì thẳng thắn, giá bán trong sân bay là giá công khai, niêm yết rõ ràng, có đăng ký với cảng vụ, vậy tại sao người dân ăn cái đắt mà không dùng đồ rẻ. "Như trên máy bay, có hãng bán đến 50.000 đồng một tô mì gói thì sao", ông Tiến đặt câu hỏi.