Giám đốc Petrolimex Sài Gòn bác thông tin chiết khấu xăng dầu ''0 đồng''
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Petrolimex Sài Gòn khẳng định không có mức chiết khấu “0 đồng” trong hoạt động kinh doanh buôn bán xăng dầu.
Tại buổi họp báo chiều 13/10, phóng viên đã đặt vấn đề về tình trạng các cây xăng ngừng hoạt động hoặc bán cầm chừng là do mức chiết khấu “0 đồng”. Phóng viên đề nghị đại diện Petrolimex cung cấp thông tin về mức chiết khấu.
Trả lời vấn đề trên, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Petrolimex Sài Gòn nói: “Với khách hàng lớn sẽ có mức chiết khấu khác, khách hàng có sản lượng nhỏ sẽ có mức chiết khấu khác. Trên phạm vi toàn quốc, Petrolimex luôn luôn có chiết khấu, không có trường hợp chiết khấu “0 đồng”.
Xăng dầu gián đoạn nguồn cung những ngày qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Ông Tuấn giải thích thêm: “Kinh doanh xăng dầu là giao dịch hợp đồng thương mại giữa đơn vị kinh doanh xăng dầu và người mua. Dưới góc độ là doanh nghiệp nhà nước, trên tinh thần chia sẻ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, cần sự đồng hành lâu dài cả lúc khó khăn cũng như thuận lợi. Chúng tôi có lượng khách hàng lớn với mức chiết khấu khác nhau nên không thể nêu ra cụ thể từng mức đối với từng khách hàng”.
Hiện nay, Petrolimex Sài Gòn có 71 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố; 52 cửa hàng xăng lẻ nhượng quyền bán lẻ; 123 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex cung cấp cung cấp chỉ chiếm 20% số cửa hàng trong hơn 500 cửa hàng xăng dầu tại TPHCM, thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 35%.
Được biết, những ngày qua, một số cửa hàng tại thành phố dừng bán hoặc bán với lượng nhỏ giọt, lượng khách đổ dồn Petrolimex Sài Gòn rất lớn, tăng 125% đỉnh điểm có ngày tăng 240%. Tuy nhiên, Petrolimex SaiGon vẫn đáp ứng nguồn cung, bán hàng ổn định.
Bình quân mỗi ngày Petrolimex chỉ cung cấp 1.300 – 1.500 m3/ngày. Tuy nhiên, ngày 10/10, đơn vị cung cấp 3.200m3; ngày 11/10 cung cấp gần 2.900 m3, còn ngày 12/10 giảm xuống còn 2.000m3.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Xăng dầu Petrolimex Sài Gòn thông tin tại buổi họp báo
“Từ hôm nay đến 17/10 , chúng tôi nhập về tổng kho Nhà Bè 100.000m3 xăng dầu, trong đó 80.000m3 nhập khẩu và 20.000 m3 từ các nhà máy trong nước. Dự kiến, tháng 10 sẽ nhập khoảng 40.000m3 xăng từ các nhà máy trong nước và 80.000m3 dầu nhập khẩu. Lượng bổ sung này, hoàn toàn có khả năng đáp ứng hệ thống phân phối của tập đoàn kể từ đầu tháng 11, để chuỗi cung ứng được liên tục, không bị gián đoạn” – ông Tuấn nói.
Đề cấp đến vấn đề các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa trong khi thực tế nguồn xăng dầu không thiếu, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: “Tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn được lực lượng quản lý thị trường theo dõi chặt chẽ 24/24 giờ. Cửa hàng nào đóng cửa mà không có giấy phép chấp thuận của Sở Công thương đều bị xử lý, nếu phát hiện xăng vẫn còn trong các bồn. Vì thế không có hiện tượng găm hàng”.
Sở Công Thương TPHCM cho biết, số lượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu mở cửa hoạt động bình thường trở lại đang gia tăng (ảnh: Phạm Nguyễn)
Theo ông Nguyên Phương, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của những công ty lớn, có quy mô lớn, có hệ thống kho bãi dữ trữ tốt, trong quá trình hoạt động, nếu nhu cầu tăng lên thì có điều kiện để chia sẻ, cung ứng kịp thời cho các cửa hàng đó để duy trì hoạt động. Những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ thường nhận hàng của các tư nhân phân phối, không đầu tư xe vận chuyển, không có kho dự trữ ở cửa hàng, nên khi hết hàng thì phải chờ xe, chờ nhà cung cấp.
“Tính đến 14 giờ ngày 13/10, số lượng các cửa hàng bị gián đoạn cung ứng xăng dầu đã giảm 1/2 so với ngày hôm qua. Như vậy, chuỗi cung ứng đang tăng rất nhanh. Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng, người đổ xăng tại các cửa hàng, kể cả những cửa hàng lớn không còn tình trạng xếp hàng”- ông Phương nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi...