Giảm cước vận tải: Đề xuất ngành thuế vào cuộc
Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), liên tục trong những tháng qua, họ đã phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý giá có liên quan (kể cả cơ quan từ bộ, ngành khác), nhưng các cuộc kiểm tra đến nay tỏ ra “nhờn thuốc” đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
“Sự “chây ì” trong việc giảm giá cước khi chi phí đầu vào chiếm phần lớn là xăng dầu đang giảm mạnh gây bức xúc trong xã hội. Cần có biện pháp quản lý khác hiệu nghiệm hơn vào thời điểm này buộc các doanh nghiệp vận tải phải giảm theo đúng xu thế biến động của thị trường”, một đại diện am hiểu về giá lên tiếng.
Nhiều DN vận tải vẫn chây ì giảm giá cước sau khi giá xăng dầu liên tiếp giảm. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Dũng, Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai cho biết: Dù Sở đã rất tích cực kiểm tra, nhưng cần có biện pháp trực diện hơn. “Chi phí đầu vào nhiên liệu cấu thành giá chiếm tỷ trọng lớn, cần kiểm tra chỗ này”- Ông Dũng đơn cử.
Cũng theo ông Dũng, đến lúc này, Tổng cục Thuế cần chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát tất cả các khoản mục cấu thành giá. Doanh nghiệp không thể viện cớ chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng lớn nên khó giảm giá. Thậm chí ông Dũng còn đề xuất: Ngành thuế nên kiểm tra thuế thu nhập của doanh nghiệp, bởi lúc đó sẽ kiểm tra cả các yếu tố chi phí đầu của doanh nghiệp, trong đó có chi phí nhiên liệu chiếm bao nhiêu. “Tổng cục thuế chỉ đạo quyết liệt sẽ ra vấn đề”, ông Dũng nói.
Đưa vấn đề này trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính, vị này phân tích: Giá xăng dầu giảm khoảng 30%, nếu doanh nghiệp vận tải giảm từ 8-10% là chấp nhận được, giảm ít hơn thì cần động viên nhắc nhở thực hiện kê khai theo Luật giá. Chỉ trường hợp những cách trên không còn hiệu quả mới nghĩ tới biện pháp mạnh hơn là thanh tra, kiểm tra tài chính. “Thanh tra, kiểm tra chỉ để đánh động doanh nghiệp. Đó là biện pháp tình thế, cuối cùng. Nhưng hiện chưa đến mức đó”, vị này nói.
Liên lạc với Thanh tra Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế, những lãnh đạo ngành đều nói rằng: Hiện chưa có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đối tượng này.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh nói chưa thể vào cuộc
Về việc giá xăng dầu trong nước liên tục giảm mạnh trong hơn 2 tháng qua nhưng phần lớn các doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn án binh bất động, không giảm cước, trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 14/1, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), ông Bạch Văn Mừng cho biết, đây là trách nhiệm quản lý thuộc về ngành giao thông và tài chính.
Theo ông Mừng, theo phân công chức năng và nhiệm vụ, việc yêu cầu các hãng vận tải phải giảm giá cước trước tiên thuộc về ngành giao thông. Kế đến là ngành tài chính có trách nhiệm kiểm tra chi phí giá thành của doanh nghiệp để kiến nghị biện pháp xử lý hoặc đề nghị các đơn vị khác có liên quan vào cuộc để xử lý. “Với tình hình hiện nay, chưa thể kết luận các DN vận tải có bắt tay nhau để không hạ cước vì chưa có bằng chứng rõ ràng. Giờ Bộ Tài chính phải xem xét kiểm tra chi phí. Theo ghi nhận của chúng tôi, đúng là giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua nhưng mặt bằng cước vận tải, cước taxi cùng các hàng hóa khác không hề giảm. “Cơ quan quản lý cạnh tranh chỉ có thể vào cuộc khi có thông tin rõ ràng, cụ thể hoặc có cơ quan chức năng kết luận, đề nghị”, ông Mừng nói.