“Giảm cước theo giá xăng thì vận tải chết!”
Dù đang rục rịch tính toán việc giảm cước nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “nhìn nhau” để có phương án phù hợp
Giá xăng vừa giảm thêm 1.200 đồng/lít vào ngày 3-9 và cũng là kỳ giảm liên tiếp lần thứ 5 tính từ đầu tháng 7-2015 đến nay. Nếu so với giá xăng hồi đầu năm 2015, sau 4 lần tăng giá và 7 lần giảm giá, giá xăng đã hạ được hơn 500 đồng/lít.
“Đã giảm mạnh rồi” (!)
Một số hãng taxi tại Hà Nội đang tính toán phương án giảm cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các hãng đang cân nhắc và tham khảo cước của các “đối thủ” cạnh tranh để có giá phù hợp.
Đại diện hãng taxi Sao Thế Kỷ (Hải Phòng) cho biết sắp lên kế hoạch giảm cước. “Việc giảm cước khá tốn kém, chỉ việc điều chỉnh đồng hồ tính tiền của khoảng 100 xe đã tốn đến cả chục triệu đồng. Sắp tới, các thành viên ban lãnh đạo đi công tác về, chúng tôi mới họp bàn và tính toán phương án giảm cước” - vị đại diện này nói.
Cước vận tải có thể giảm trong thời gian tới Ảnh: Phương Nhung
Theo ông Lê Thành Trung, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải Trung Thành (Hải Phòng), cước vận tải đã giảm khoảng 20% so với lúc giá xăng cao. Mỗi khi giá xăng giảm sâu, doanh nghiệp (DN) đều thỏa thuận với khách hàng về mức giảm cước thích hợp. “Cước vận tải hàng hóa hiện đã giảm mạnh rồi, nguyên nhân là do thị trường dư thừa phương tiện và phía Trung Quốc đang hạn chế giao thương. Không DN vận tải nào dám giữ mức cước cao trong tình hình này” - ông Trung nói.
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết đã có công văn đề nghị các DN thành viên rà soát lại giá mà mình đã kê khai ở kỳ gần nhất để xem xét việc giảm cước.
Sao các ngành khác không giảm giá?
Theo ông Thân Văn Thanh, giá xăng dầu vừa qua tăng, giảm liên tục trong khi có hãng vận tải vẫn giữ giá khá lâu. Vì thế, không thể đánh đồng, yêu cầu tất cả phải giảm cước vì có hãng đã giảm. Ông Thanh cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh rất dễ nhưng DN điều chỉnh cước lại khá khó khăn, bởi mỗi lần thay đổi mức tính cước trên đồng hồ, mỗi taxi mất hơn 100.000 đồng, chưa kể tài xế phải nghỉ chạy nửa buổi. Đối với xe khách, mỗi lần điều chỉnh cước thì phải in vé mới, hủy toàn bộ vé cũ gây thiệt hại cho DN. Các DN cũng phải cạnh tranh nhau để giữ khách hàng nên sẽ tự điều chỉnh cước cho phù hợp. Hơn nữa, các hợp đồng vận tải đều ngắn hạn, thanh toán theo từng chuyến, từng ngày nên DN sẽ có mức cước phù hợp ở từng thời điểm. “Xăng tăng, giảm 11 lần mà cước cũng phải điều chỉnh 11 lần thì DN vận tải “chết” do quá tốn kém” - ông Thanh nhận định.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, không thể cứ xăng dầu giảm 10% thì cước vận tải phải giảm khoảng 5%. Giá vận tải là theo thị trường. Từ đầu năm đến nay, chỉ một vài DN taxi ở Hà Nội điều chỉnh tăng cước trong mức cho phép 5%, như hãng Thành Công tăng giá 500 đồng/km do họ đầu tư xe mới. “Một số DN taxi vừa rồi tăng cước theo giá xăng thì bây giờ phải giảm. Mức giảm 5% đối với các hãng taxi đã tăng cước trước đó là hợp lý. Còn đơn vị nào vẫn giữ cước khi giá xăng dầu tăng thì không thể bắt họ giảm được” - ông Liên phân tích.
Ông thắc mắc: “Giá xăng dầu giảm nhưng không thấy các DN nhà nước như tàu hỏa, máy bay, nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu giảm giá. Sao ngành tài chính không kiểm tra để phạt những DN đó mà lại yêu cầu các DN vận tải nhỏ lẻ đang oằn lưng chịu hàng loạt loại phí phải giảm cước. Taxi có thể giảm 500-1.000 đồng/km nhưng giá xăng dầu phải giữ được lâu chứ DN vừa giảm, xăng dầu lại tăng giá thì DN sẽ hết sức khó khăn” - ông Liên đặt vấn đề.
Về góc độ quản lý giá, một chuyên gia từng làm việc tại Bộ Tài chính góp ý cước vận tải không thể đưa vào diện bình ổn giá như một số mặt hàng đặc thù khác. Loại hình dịch vụ này cần được khuyến khích phát triển để tăng cạnh tranh, từ đó giá thành sẽ hạ. Trong khi chưa thể có thị trường cạnh tranh, cần nâng cao vai trò kiểm soát của nhà nước để tránh trường hợp các DN bắt tay làm giá hoặc chây ì điều chỉnh cước. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cước vận tải không đơn thuần là thỏa thuận giữa DN cung cấp dịch vụ với khách hàng mà trong đó còn có quá nhiều chi phí. Do đó, khắc phục tình trạng này cần phải có giải pháp tận gốc chứ ép DN giảm giá chỉ là phần ngọn.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn yêu cầu các sở Giao thông Vận tải phối hợp với sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan kê khai lại cước vận tải và báo cáo lên bộ trước ngày 30-9. |
TP HCM: Chưa xác định mức giảm Ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinasun, cho biết từ ngày 8-9, Vinasun sẽ áp dụng giá cước vận tải hành khách mới, giảm 500 đồng/km so với mức hiện hành. Trong khi các DN taxi đã có thông tin chính thức về mức điều chỉnh giá cước, DN vận tải hàng hóa ở TP HCM vẫn chưa có động tĩnh gì. Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết hướng chung là phải giảm cước nhưng giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa DN vận tải với chủ hàng. “Đợt này giá dầu giảm chưa đến 1%. Trong vận tải hàng hóa, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35%-40% tổng chi phí nên giá dầu giảm đợt này làm giảm chưa đến 0,1% giá thành cước vận tải hàng hóa. Ngoài ra, đặc thù của vận tải hàng hóa là mức cước được thống nhất trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ hàng và DN vận tải, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cự ly vận chuyển, đường đi xấu hay tốt, qua bao nhiêu trạm thu phí, chở đúng tải hay không... Trong khi đó, vận tải hành khách chạy trên những tuyến cố định, ổn định về thời gian, lộ trình, chi phí trên đường... nên cơ cấu giá thành ổn định hơn” - ông Chánh phân tích. T.Nhân |