Giảm 50% giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông đối với sinh viên và công nhân
Sau khi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đi kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, TP. Hà Nội cũng đã tổ chức xin ý kiến về mức chi hỗ trợ vé tháng cho hàng khách.
Cụ thể, dự kiến Hà Nội sẽ hỗ trợ mức vé tháng đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông từ ngân sách Thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với các đối tượng: học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi.
Hỗ trợ 30% giá vé tháng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Trong đó, dự kiến miễn phí cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh- Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Tàu Cát Linh - Hà Đông hỗ trợ giá vé cho sinh viên.
Theo đó, Hà Nội có 3 loại giá vé áp dụng lượt, ngày, tháng như sau: Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất.
Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.
Với khách đi theo ngày, giá vé được áp dụng là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng sẽ là 200.000 đồng/người. Mức giá vé được áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại.
Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, Giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính tiến hành đánh giá, tổng kết và trình UBND Thành phố xem xét ban hành giá vé chính thức.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có điểm đầu tại ga Cát Linh và điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa. Tần suất khai thác là 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.
Trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa. Để phục vụ nhân dân đi tàu điện thuận lợi, ngành giao thông thủ đô đang khảo sát xây dựng điểm dừng cho xe buýt tại 11/12 ga.
Tại buổi kiểm tra dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Để đảm bảo tàu Cát Linh – Hà Đông chạy đúng tiến độ, Bộ trưởng Thể yêu cầu tổng thầu, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác đúng kế hoạch. Theo Bộ trưởng Thể, người dân Hà Nội đang chờ dự án sớm đưa vào khai thác để đi lại thuận lợi, giải quyết ùn tắc giao thông. Nếu các bên không cùng nỗ lực giải quyết, vướng mắc không được tháo gỡ, dự án tiếp tục kéo dài. Các đơn vị liên quan và tổng thầu phải có kế hoạch phối hợp giải quyết. Ban Quản lý dự án phải liệt kê ra các công việc, những vướng mắc và chỉ rõ ai giải quyết. Tổng thầu phải thực hiện đầy đủ các công việc từ vận hành thử, đào tạo, xây dựng quy trình bảo trì, bảo dưỡng... theo hợp đồng và có trách nhiệm chính trong việc kết thúc dự án. Bộ Trưởng Thể yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn cụ thể cho tổng thầu và Ban Quản lý dự án sát hạch, cấp giấy phép lái tàu và các chức danh công việc. Tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4.2019. |