Giải pháp mới cho xăng dầu: Chưa đủ “đô”!

Quỹ có lợi cho doanh nghiệp, thiệt cho người tiêu dùng. Bình ổn xăng dầu sẽ vẫn hoạt động theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”.

Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập, được góp ý chỉnh sửa và trình Chính phủ lần đầu tiên vào tháng 6-2013, sau đó tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Đến nay, dự thảo lần 2 đã hoàn tất, trình Chính phủ và dự kiến chính thức được ban hành trong tuần này. Đây được kỳ vọng là “bảo bối” có thể điều tiết một cách lành mạnh giá xăng dầu vốn mang nhiều điều tiếng những năm qua. Tuy nhiên, một trong những yếu tố mấu chốt là quỹ bình ổn xăng dầu vốn chứa đựng nhiều bất hợp lý trong khi các quy định mới vẫn không thay đổi được.

Thực tế cho thấy mỗi doanh nghiệp (DN) có số lượng bán ra không giống nhau, do đó mức trích và xả quỹ cũng khác nhau, nhất là chúng không cùng thời điểm hết quỹ, còn giá cả thì bị cố định chung cho toàn ngành; việc bù lỗ dễ làm sai lệch các con số và dễ bị lợi dụng trong khi rất khó kiểm tra, nhất là lúc xuất hiện liên kết lợi ích nhóm giữa các bên liên quan.

Về bản chất, nguồn thu của quỹ là giá xăng dầu thực mua mà người tiêu dùng phải trả và ứng trước cho quỹ xét theo sự trọn vẹn của một quy trình trích lập và xả quỹ để giữ bình ổn giá về danh nghĩa. Nói cách khác, thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá “rẻ” hơn khi xả quỹ. Cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” này khiến người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ song lại luôn chịu thiệt do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu cho vay không lãi. Rốt cuộc, dường như chỉ có DN xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức cũng như được nhiều hơn mất từ mọi hoạt động thu - chi quỹ bình ổn…

Cơ chế hoạt động hiện hành của quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp với thiên hướng mục tiêu thường ngược với xu hướng động thái thị trường thế giới, cụ thể là hoặc làm tăng giá bán do yêu cầu tăng trích lập quỹ trong khi giá dầu mỏ thế giới giảm hoặc làm giảm giá bán do yêu cầu xả quỹ để giữ ổn định giá khi giá thế giới tăng. Chính tính chất đặc trưng này của quỹ đã làm méo mó giá cả thị trường mỗi khi quỹ vận hành, cả lúc trích hay xả, khiến các động thái cung - cầu xăng dầu cũng như hoạt động dự báo và hạch toán kinh doanh thị trường khác dễ trở nên nhiễu loạn.

Việc ủy thác quản lý thu trích lập và chi dùng quỹ cho DN có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lợi dụng và tham nhũng hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của quỹ. Sự lợi dụng có thể đến từ 2 phía: 1. Lợi dụng từ kẽ hở khó lấp đầy của quy trình hành chính theo “cơ chế xin - cho” cả về mức cũng như về thời điểm trích lập và chi tiêu quỹ trong quan hệ giữa cơ quan quản lý với DN khi giá cả biến động dù tăng hay giảm; 2. Lợi dụng từ những “mưu mẹo” kế toán và thủ thuật gian lận khác về mức độ, thời điểm và số lượng xăng dầu nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho thực với số liệu báo cáo khi trích lập và xả quỹ.

Dễ bị trục lợi

Dự thảo vẫn chưa bóc tách và bảo đảm sự độc lập, minh bạch hơn giữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị về dự trữ bảo đảm an ninh xăng dầu quốc gia với quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm về dự trữ thương mại vì mục tiêu kinh doanh của DN nhằm tránh sự lợi dụng cho lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ trong kinh doanh xăng dầu. Thậm chí, tại phương án về chu kỳ dự trữ 15 ngày, dự thảo đề xuất việc ngân sách nhà nước bù lỗ cho dự trữ xăng dầu nếu giá tăng. Điều này gây lo ngại về nguy cơ lợi dụng để trục lợi và gia tăng gánh nặng ngân sách khi phải bù lỗ, cũng như chưa tính tới việc phải thu khoản lời cho ngân sách khi giá giảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS Nguyễn Minh Phong (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN