Giải pháp cấp bách tiết kiệm điện: Thay thế 15 tỷ bóng đèn

Điện năng dành cho chiếu sáng ở Việt Nam đang chiếm khoảng 35% tổng năng lượng điện cung ứng, trong khi trên thế giới, lĩnh vực này chỉ chiếm 15-17%. Giải pháp tiết kiệm điện cho chiếu sáng vì thế đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Điện chiếu sáng chiếm 35%

Tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành chiếu sáng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Đặng Huy Đông - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với điện năng cho chiếu sáng chiếm 35% tổng lượng điện tiêu thụ, Việt Nam đang có một dư địa tiết giảm rất lớn. Nếu áp dụng công nghệ tiên tiến vào chiếu sáng, Việt Nam sẽ giảm được lượng điện tiêu thụ đáng kể, có thể đạt với mức chuẩn của thế giới.

Giải pháp cấp bách tiết kiệm điện: Thay thế 15 tỷ bóng đèn - 1

TP.HCM lúc lên đèn.  N.D

“Vấn đề là cần có giải pháp khoa học công nghệ nào trong nước làm chủ được, cạnh tranh được về giá cho nhu cầu thay thế 15 tỷ bóng đèn tiết kiệm điện. Lựa chọn công nghệ bóng đèn bán dẫn phát quang (LED) có phải là giải pháp tối ưu trong sử dụng tiết kiệm điện, năng lượng hiệu quả không?”-ông Đông đặt vấn đề.

Thực tế, Việt Nam có phạm vi chiếu sáng lớn với trên 760 đô thị. Chiếu sáng đường phố chiếm 1 - 2% trong khi chiếu sáng trong các tòa nhà, khu chung cư đang chiếm 40%, trung tâm thương mại chiếm tới 35% và việc tiết kiệm điện năng ở các khu vực này hiện chưa xử lý được. Trong đơn giá xây dựng mới hiện nay chưa có đề xuất lắp bóng đèn LED.

Theo ông Đông, việc tiết kiệm điện sâu rộng trong chiếu sáng không mất thời gian, chi phí không lớn, đơn giản chỉ cần tiết kiệm 1/3 công suất của mỗi bóng đèn. “Việc sử dụng thiết bị chiếu sáng giúp giảm 30% lượng điện năng tiêu thụ thì với công suất điện cho chiếu sáng hiện nay vào khoảng 33.964 MW, Việt Nam sẽ giảm được 3.566 MW, một con số lớn gấp 3,5 lần so với công suất của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, đây là con số hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam không có một nguồn điện dồi dào”- ông Đông nhấn mạnh.

Cần cơ chế chính sách hỗ trợ

Ông Lê Tuấn Phong- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam đang rất cần có những dự án sử dụng đèn LED trong lĩnh vực chiếu sáng hộ gia đình và công cộng. Chiếu sáng bằng công nghệ đèn LED có thể thay thế tất cả các nguồn truyền thống trong vòng 10 - 15 năm tới. Hiện Việt Nam đã và đang tận dụng được nhiều thành quả của khoa học kỹ thuật nhưng cách tiếp cận chưa nhanh, chính sách cơ chế hỗ trợ chưa rõ ràng, quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan nhiều khi chưa hiệu quả.

Qua nhiều dự án thử nghiệm tại Việt Nam cho thấy, dùng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED để thay thế hệ thống bóng đèn truyền thống (bóng đèn sợi đốt) có thể đạt mục tiêu giảm sử dụng năng lượng xuống mức 10%. Đây là giải pháp thực hiện nhanh, hiệu quả kinh tế cao có thuận lợi theo xu hướng thế giới.

TS Lê Hải Hưng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, đèn LED không có chất độc, giảm thiểu ô nhiễm, hiệu quả cao, dễ sử dụng và tiềm năng sản xuất của Việt Nam cũng rất lớn. Hiện trong nước đã có 200 cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm. Nếu mạnh dạn thay đèn sợi đốt bằng đèn LED, mỗi năm ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để công cuộc chuyển đổi đạt hiệu quả, cần quy hoạch những nhà sản xuất được đèn LED trong nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường. Cần cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ kích thích giải pháp công nghệ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành chiếu sáng là mục tiêu trúng và đúng với nhu cầu xã hội và của cả nền kinh tế. “Chúng ta đã có khá nhiều chủ trương chính sách kể cả quan tâm chính trị thể hiện rõ ở các chương trình, tuy nhiên, trên thực tế việc tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng vẫn còn hạn chế. Đã đến lúc cần đưa các công nghệ tiên tiến sớm đi vào thực tiễn góp phần to lớn vào việc tiết kiệm năng lượng, góp phần vào tăng trưởng xanh, tiết kiệm đến từng hộ tiêu dùng”- ông Đông nói.

Chương trình mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, Việt Nam phấn đấu tiết kiệm đạt mức 3-5% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước, tương đương tiết kiệm được 4,9 triệu tấn dầu quy đổi. Mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục tăng mục tiêu tiết kiệm năng lượng lên đến 16 triệu tấn dầu quy đổi.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quỳnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN