Giải cứu nông sản: Làm gì để không thành “chuyện muôn thuở”?
Những năm gần đây đã có nhiều câu chuyện giải cứu nông sản diễn ra, người nông dân thấp thỏm lo âu nhưng điều này có thể sẽ vẫn tái diễn nếu gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) đã có những phân tích sâu sắc về vấn đề này.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính)
Theo ông Thịnh, nói đến vấn đề giải cứu nông sản đầu tiên phải nói về định hướng quy hoạch của các cơ quan quản lý phát triển các ngành nghề chưa tốt, nhất là vai trò của Chính phủ và Bộ NN&PTNT trong việc quy hoạch và phát triển các hàng hóa. Đồng thời, chưa phát huy vai trò giữa các nhà công nghệ với việc nông dân sản xuất và với các DN chế biến cũng như với thị trường. Nhiều vấn đề từ việc quy hoạch sản xuất cái gì, như thế nào chưa ổn. Từ cao su, cà phê, lúa gạo đến các mặt hàng khác gần như cứ được mùa thì rớt giá bất kể là hoa quả hay mặt hàng công nghệ như cao su…
Chuyên gia kinh tế này nhận định, việc quy hoạch chưa tốt nên người ta tổ chức sản xuất theo ý muốn chủ quan và cảm nhận thị trường của người nông dân chứ không phải ý muốn của nhà nước. Thêm vào đó việc quy hoạch thị trường nông sản tiêu thụ thì gần như không có mà cứ để các doanh nghiệp và người nông dân tự lo việc tiêu thụ, kể cả tiêu thụ trong nước hay ngoài nước. Vì thế hàng hóa nông sản đổ về những thị trường gần và dễ tính như Trung Quốc chứ không có định hướng phát triển ra thị trường nước ngoài cũng như những khu vực cần quan tâm. Khi các thị trường dễ tính ngừng nhập hoặc có vấn đề thì lập tức nông sản sẽ bị ứ đọng và rớt giá, điều này cho thấy việc đa dạng hóa thị trường không ổn.
Không những vậy, công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến các sản phẩm hàng hóa nông sản tuy đã nói rất nhiều năm nhưng ngành này không hề có sự tiến bộ nào đáng kể so với trước đây.
Ông Thịnh chỉ rõ: “Hầu như người nông dân vẫn phải bán các sản phẩm thô của mình cho các đầu nậu cũng như cho các nhà xuất khẩu và chúng ta cũng vẫn chỉ xuất khẩu những sản phẩm thô. Do đó hiệu quả không cao, giá trị gia tăng không lớn và rõ ràng chúng ta không chủ động được nguồn hàng, vì nếu chúng ta chủ động được khâu công nghiệp chế biến tốt thì sẽ chủ động được nguồn hàng, từ đó điều tiết khi nào cần bán nhiều hàng, khi nào bán ít hàng và khi nào cần thiết đổ vào sản xuất. Điều này cho thấy có nhiều vấn đề trong cả quy hoạch, định hướng sản xuất, chế biến đến vai trò của các nhà khoa học, của công nghệ, của giống cây trồng vật nuôi, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn”.
Theo ông Thịnh, nhiều quốc gia tuy có nhiều bất lợi như đất đai khô cằn nhưng đổi lại họ có công nghệ sản xuất cao nên họ vẫn có thể sản xuất được những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp mang tính chất cơ bản và có năng suất hiệu quả cao, ở ta lại không áp dụng được mặc dù đó không phải việc gì khó khăn quá đối với nông nghiệp Việt Nam.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, về giống cây trồng, vật nuôi vẫn là những giống cũ, lạc hậu trong khi các nước khác có nguồn giống tốt hơn, vì vậy sản phẩm hàng hóa cạnh tranh hơn. Các nhà khoa học cũng chưa giúp triển khai các giống cây tốt vào sản xuất nông nghiệp vì thế đem lại hiệu quả thấp. Đây cũng là lời đáp để giải quyết việc nông sản xuất theo mùa vụ và có chất lượng thấp cũng như chỉ tiêu thụ được ở thị trường dễ tính, điều này cũng là nguyên nhân khiến nông sản của ta bị phụ thuộc.
Phân tích thêm về việc nông sản nông dân bán ra giá thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao, vị này cho rằng đó là do khâu phân phối còn yếu kém. Khâu này yếu từ việc mua, bán, nhập mặt hàng nông sản cho đến việc tiêu thụ tại các cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị lớn – điều này gần như một sự tách biệt. Do dó, các doanh nghiệp trong nền kinh tế khi mua bán các sản phẩm hàng hóa , gần như họ không tính đến vị thế của các hàng hóa họ đã mua, chứng tỏ khâu bán buôn và bán lẻ của ta chưa được tổ chức một cách hợp lý, các lợi ích của các khâu này vẫn quá lớn nên cần chấn chỉnh lại.