Giải cứu nông dân nuôi lợn: Bộ Tài chính, Công Thương vào cuộc

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngày 4/5, Bộ Công Thương có văn bản gửi sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, giết mổ, kinh doanh; các Cty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thịt lợn.

Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ. Cơ quan chức năng cũng thực hiện các chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho thị trường.

Liên quan đến giải cứu thịt lợn, Bộ Công Thương đã lập đoàn công tác, do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu, làm việc với một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội về chuỗi cung ứng thịt lợn. Theo thông tin từ các doanh nghiệp siêu thị, từ thời điểm giá thịt lợn xuống thấp, các siêu thị đã giảm giá từ 5% - 15% mỗi đợt để hỗ trợ cho bà con nông dân. Tuy nhiên, thịt lợn tiêu thụ trong siêu thị là thịt đảm bảo an toàn, có nguồn gốc và đã ký hợp đồng bao tiêu với các nhà cung cấp từ trước nên việc giảm giá có độ trễ hơn so với giá bán ở các chợ truyền thống.

Giải cứu nông dân nuôi lợn: Bộ Tài chính, Công Thương vào cuộc - 1

Hình minh họa

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam (chủ chuỗi siêu thị Fivimart), trong 2 tuần qua, hệ thống Fivimart đã giảm giá bán 3 lần trong 2 tuần với mức giảm từ 13% - 30%. Các nhà cung cấp giảm giá 2 lần với mức giảm từ 5% - 15%. Từ ngày 4/5, Fivimart tiếp tục giảm giá thịt thêm 5%. Siêu thị cũng yêu cầu các nhà cung cấp tiếp tục cân đối chi phí giá thành để tiếp tục giảm giá cho thịt lợn.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Cty TNHH Minh Hiền cho biết ngoài việc giảm giá sản phẩm 20%, để góp phần giải quyết lượng thịt lợn đang dư thừa trên thị trường, Cty TNHH Minh Hiền đang hỗ trợ giết mổ, bảo quản kho lạnh cho khoảng 17.000 con lợn thịt của bà con hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức (Hà Nội). Dự kiến, sau khoảng 40 ngày tới, khi giá bán được cải thiện, Minh Hiền sẽ đưa lượng thịt này ra để giúp bà con có lãi.

Nhằm hỗ trợ bà con, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn gửi các địa phương, doanh nghiệp yêu cầu có biện pháp khẩn cấp tham gia hỗ trợ người chăn nuôi khi giá bán lợn trên thị trường sụt giảm mạnh. Với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý… Bộ Tài chính đề nghị tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm bán cho người chăn nuôi. Đồng thời không điều chỉnh tăng giá sản phẩm khi các yếu tố đầu vào không thay đổi để chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi. Những doanh nghiệp nào sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện truyền thông.

Chỉ tạm dừng tạm nhập tái xuất hàng liên quan thịt lợn

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sau kiến nghị của Bộ NN&PTNT về đề xuất dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực, mới đây, Thủ tướng đã đồng ý việc tạm dừng, không cho phép tái xuất thịt lợn và các phủ tạng của lợn đông lạnh qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương hướng dẫn các cơ quan chức năng, các địa phương có biên giới thực hiện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất phải phù hợp với quy định quốc tế, chứ không phải thích làm gì thì làm.

Phạm Anh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên - Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN