Giá xăng vẫn tăng nhiều, giảm ít

Sự kiện: Giá xăng

Theo nội dung dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương vừa chính thức trình Chính phủ thì dường như chỉ làm các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được lợi, được nới rộng quyền tự quyết về giá xăng dầu, trong khi đó người dân lại vẫn chịu thua thiệt...

Doanh nghiệp lợi, người dân thiệtQuan điểm của Bộ Công Thương trong dự thảo nghị định mới là vẫn "muốn” cho DN được tự định giá trong phạm vi hẹp, ở đây là 5%. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói thẳng: "Nếu nghị định mới vẫn để cho DN tự ý tăng giá trong phạm vi 5% thì dân chỉ có nước "thua" và "chịu chết”. Theo ông Long, thị trường xăng dầu hiện nay đang là “độc quyền nhóm”, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) nắm giữ đến 50% thị phần và đang ở vị trí thống lĩnh thị trường.

Vì vậy, quy định cho DN tự định giá trong phạm vi 5% là trái với phương thức quản lý về giá của nền kinh tế thị trường, không hợp lý. “Nếu để DN tự định giá trong phạm vi 5% thì sẽ có hiện tượng lợi dụng biên độ này để tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Điều này đã xảy ra trong thực tế thời gian qua. Mặc dù Nhà nước đã quản lý giá nhưng mỗi khi giá thế giới tăng thì DN đòi tăng và được tăng ngay nhưng khi giá thế giới giảm, thậm chí giảm rất sâu, thì DN không giảm hoặc chỉ giảm nhỏ giọt”- ông Long phân tích.

Giá xăng vẫn tăng nhiều, giảm ít - 1

Việc cho DN xăng dầu rộng đường tăng giá sẽ khiến cho người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể, theo dự thảo nghị định mới, nếu giá cơ sở tăng trên 5- 8% so với giá bán lẻ hiện hành, DN gửi đăng ký giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Tài chính - Công Thương) trước thời gian điều chỉnh 2 ngày làm việc. Quá 2 ngày gửi đăng ký, trường hợp không có văn bản trả lời của cơ quan nhà nước, DN vẫn được quyền tăng giá trong biên độ cho phép là 5%.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, "như vậy là quá nới rộng quyền tăng giá cho DN và nếu DN cứ tăng giá một cách "thoải mái" như thế thì người dân sẽ là người chịu thiệt".

Doanh nghiệp sẽ lợi dụng?Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, với việc giảm biên độ xuống 5% có thể xảy ra hiện tượng DN lợi dụng biên độ, chia nhỏ các đợt tăng giá để được tăng giá nhiều nhất có thể. Ông Phong cũng lưu ý trong khi Petrolimex đang nắm phần lớn thị phần thì việc trao quyền tự quyết giá xăng dầu cho DN dễ dàng như vậy có thể dẫn tới tình trạng DN dùng vị trí thống lĩnh của mình thao túng thị trường, làm giá hoặc tạo sức ép về giá với các DN khác. "Khi Petrolimex tăng hoặc giảm giá thì các DN xăng dầu nhỏ bé khác không thể không thực hiện theo, do vậy sẽ không có sự cạnh tranh nào về giá xăng dầu có lợi cho người tiêu dùng"- ông Phong nói. 

Theo dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu thì giá cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh giá trong nước vẫn được tính gồm giá thế giới cộng thuế phí, quỹ bình ổn và 300 đồng/lít lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp... Tuy nhiên, nếu như Nghị định 84/2009 hiện hành quy định giá cơ sở thay đổi đến 7%, doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng, dự thảo mới cho phép giá cơ sở tăng đến 5% thì doanh nghiệp được chủ động tăng giá, đồng thời gửi phương án tính giá, quyết định điều chỉnh giá về cơ quan chức năng để giám sát.

Trong khi đó, ngược lại, dự thảo nghị định mới lại không có yêu cầu nào bắt buộc DN phải giảm giá xăng dầu trong phạm vi 5%. Điều này cho thấy đây là bước "thụt lùi" so với quy định hiện hành và quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa được "đặt nặng"-ông Phong bình luận.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng nêu thực tế, các DN và cơ quan quản lý đòi hướng tới giá thị trường trong khi giống như các ngành hàng điện, nước, than thì mặt hàng xăng chưa hề hình thành một thị trường cạnh tranh nào. "Thị trường xăng dầu không thể có giá thị trường mà sẽ chỉ có giá có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà thôi"-chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh. "Nếu đọc kỹ cũng sẽ thấy, Nghị định nói liên bộ giám sát việc tăng-giảm giá xăng dầu nhưng tôi cho đó chỉ là nói cho có thôi, bởi đã cho DN tự quyết thì Nhà nước giám sát gì? Anh chỉ theo dõi chứ không có quyền gì để buộc DN không được tăng 5% cả, lại chẳng có điều khoản nào buộc DN phải giảm giá...

Rõ ràng người dân tưởng Nhà nước có giám sát nhưng thực tế không có tác dụng gì”-vị chuyên gia này phân tích. TS Nguyễn Minh Phong cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, Nghị định mới vẫn chưa giải quyết triệt để những bức xúc về quản lý và kinh doanh xăng dầu còn đang "lùng nhùng" hiện nay. Bản thân Nghị định mới cũng chưa phát huy được hoạt động giám sát và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Quyền xử phạt và các mức, quy trình chế tài cụ thể cho mỗi cơ quan và lỗi vi phạm chưa thấy rõ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN