Giá xăng và những “điểm đen” mơ hồ
Tuần qua, giá xăng dầu đã tăng lần thứ 3 kể từ đầu năm với mức tăng 30% so với mức giá bán lẻ đầu năm. Một lần nữa, dư luận băn khoăn liệu mức giá xăng tăng cao trong thời gian ngắn như vậy có phải một phần do tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT)?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Giá xăng tăng không phải do tác động của thuế BVMT”
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời vào tối 24.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% lớn hơn số tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đến 2.000 đồng.
Giá xăng đã tăng tới 30% so với đầu năm khiến nhiều người cho rằng có tác động của thuế bảo vệ môi trường. (Ảnh chụp tại cửa hàng xăng dầu số 37, Láng Thượng, Hà Nội). Ảnh: L.H.T
Theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua giá xăng dầu bán lẻ trong nước của chúng ta đã được điều chỉnh so với thời điểm giá thấp nhất 30% là hợp lý. Bởi lẽ giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay tính đến đêm ngày 21.5 là 60,72 USD/thùng. Thời điểm thấp nhất là vào tháng 2.2015, giá lúc đó là 43,9 USD/thùng.
Diễn biến giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay so với thời điểm thấp nhất đã tăng 38,3%. Trong khi giá bán lẻ trong nước của chúng ta tăng 30%. Điều này cũng khẳng định việc vừa qua chúng ta điểu chỉnh thuế suất bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên.Ví như: Xăng tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/lít.
Đồng thời chúng ta phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về thuế suất nhập khẩu trong đó có xăng dầu. Theo đó, ngay từ 15.4.2015 chúng tôi đã điều chỉnh giảm thuế suất, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20%.
“Theo tính toán, số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% lớn hơn số tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đến 2.000 đồng. Do vậy, công cụ điều hành của chúng ta về thuế đã phát huy tác dụng và có tác động giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước trong thời gian vừa qua”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý giá xăng và giá cả nói chung, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết: Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm hạn chế các việc lợi dụng việc nhà nước điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu để lợi dụng tăng giá. Thứ nhất, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan về quản lý giá. Thứ hai là tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định của pháp luật. Thứ ba là tăng cường giám sát chặt chẽ việc kê khai giá danh mục các mặt hàng phải kê khai giá. Thứ tư là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các quy định về giá và xử lý nghiêm các vi phạm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A: “Nói tăng thuế môi trường không làm tăng giá bán lẻ là sai”
Xung quanh phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải về việc xăng tăng giá, trao đổi với PV NTNN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A phân tích:
Giá xăng tăng 2 lần trong 15 ngày tổng cộng 3.150 đồng/lít (trong đó tăng 1.200 đồng/lít ngày 20.5). Thuế Bảo vệ môi trường tăng thêm 2.000 đồng/lít và lãnh đạo Bộ Tài chính giải thích tăng thuế BVMT không phải là nguyên nhân tăng giá xăng vì thuế nhập khẩu giảm từ 35% xuống 20%.
Thực hư ra sao? Đối với người tiêu dùng, có thể hình dung giá bán lẻ xăng đơn giản như sau:
Giá bán lẻ = giá nhập + chi phí + lợi nhuận + các loại thuế (phí).
Theo quy định hiện hành chi phí định mức là 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Nói cách khác, giá bán lẻ (21.030 đồng/lít) = 1.350 đồng/lít + giá nhập + các loại thuế và phí.
Theo Bộ Công Thương, giá nhập khẩu xăng đã tăng từ 79,64 USD/thùng (ngày 30.4) lên 81,77 USD/thùng (ngày 20.5) tức là tăng 2,67% (tỷ giá tăng 1% ngày 7.5 nên tính bằng tiền đồng giá nhập tăng khoảng 2,7%). Trong hơn 20 ngày qua giá xăng bán lẻ tăng 18%!
Giá xăng nhập khẩu tính ra tiền Việt là 11.272,7 đồng/lít và khoản giảm thuế nhập khẩu (15%) là 1.691 đồng/lít. Như vậy tổng thuế sẽ tăng ít nhất 2.000 - 1.691 = 309 đồng/lít.
Như thế nói tăng thuế môi trường không làm tăng giá bán lẻ là hoàn toàn không đúng.
Trong lúc ngân sách khó khăn thì tăng thuế, phí là cách dễ nhất để tăng thu. Để hình dung tất cả các loại thuế và phí (kể cả bình ổn giá) cỡ bao nhiêu có thể tính ngay ra: 21.030 – 1.350 – 11.222,7 = 8.457,3 đồng/lít (trong đó có 300 đồng/lít bình ổn giá).
Nói cách khác mỗi người khi tiêu thụ xăng bây giờ đóng 8.157 đồng/lít tiền thuế để.
Với khoảng 38 triệu lít xăng dầu tiêu thụ hàng ngày, số tiền thuế cỡ 321 tỷ/ngày hay cỡ 117 ngàn tỷ/năm. Toàn dân đóng thuế nuôi nhà nước, đó là nghĩa vụ nhưng ngược lại, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm minh bạch với nhân dân.