Giá xăng thế giới bất ngờ sụt mạnh gần 3%

Phiên giao dịch đêm qua (10/4), giá xăng hợp đồng giao sau trên thị trường thế giới đã bất ngờ sụt mạnh tới gần 3%, sau khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy lượng cung tuần qua tăng cao bất thường.

Tuy nhiên, giá dầu kỳ hạn vẫn tiếp tục đi lên ngày thứ ba liên tiếp, do cũng căn cứ vào báo cáo trên, thì lượng cung dầu thô tuần qua lại tăng thấp hơn so với dự tính của giới chuyên môn, bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ giảm nhẹ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.

Cụ thể, theo báo cáo chính thức của Cơ quan Thông tin Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 5/4, lượng cung dầu thô tăng được 300.000 thùng, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 1,4 triệu thùng của giới phân tích trong cuộc điều tra dư luận trước đó của Platts.

Trong khi đó, nguồn cung xăng bất ngờ vọt mạnh tới 1,7 triệu thùng, các chế phẩm khác từ dầu thô giảm nhẹ 200.000 thùng. Còn theo dự báo của giới phân tích, cung xăng sẽ giảm 1,8 triệu thùng trong tuần báo cáo, lượng cung các chế phẩm khác từ dầu thô cũng giảm mạnh 1,8 triệu thùng.

Trước tình huống bất ngờ này, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 5 tại sàn giao dịch hàng hóa New York tiếp tục tăng thêm 44 cent, tương ứng 0,5% lên 94,64 USD mỗi thùng. Trong khi đó, giá xăng giao tháng 5 cũng tại sàn này giảm 7,7 cent, tương ứng 2,6%, xuống chốt ở mức 2,865 USD mỗi gallon.

Cùng với giá xăng, giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn chốt ở mức 2,95 USD/gallon, giảm khoảng 1 cent so với phiên giao dịch liền trước, tương đương với mức giảm 0,5%. Trong khi, giá khí tự nhiên giao tháng 5 tăng được tới 7 cent, tương ứng với mức tăng 1,7%, lên 4,085 USD/ triệu BTU.

Ngược với tình hình tăng giá của dầu thô giao sau trên sàn hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc trên sàn hàng hóa London lại giảm mạnh tới 44 cent, tương ứng 0,4%, xuống còn 105,79 USD/thùng. Phiên giao dịch liền trước, giá dầu thô kỳ hạn loại này đã tăng 1,5%.

Cũng trong ngày hôm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ đã công bố báo cáo hàng tháng, trong đó giảm nhẹ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm nay xuất phát từ những lo ngại về tình hình kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu do cuộc khủng hoảng ở Cyprus.

Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố biên bản cuộc họp chính sách hồi cuối tháng 3, trong đó cho biết nhiều thành viên ủng hộ cơ quan này tiếp tục duy trì chương trình mua tài sản hàng tháng tới giữa năm, song cũng có ý kiến về việc sớm dừng kế hoạch kích thích kinh tế này. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hải (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN