Giá xăng tăng gần 2.000 đồng/lít: Nỗi khổ đổ lên đầu nông dân

Trong khi nông sản rớt giá, không bán được thì giá điện và tiếp theo là giá xăng tăng khủng gần 2.000 đồng/lít mới đây. Nhà nông sẽ lại vật vã lo chi phí tăng thêm…

Hàng loạt chi phí nhăm nhe tăng

Thực tế hiện nay, hầu hết nông dân đều e ngại việc tăng giá hàng loạt các chi phí đầu vào. Năm nay hạn hán, nắng nóng, thiếu nước tưới diễn ra phổ biến. Để canh tác lúa, hoa màu, một số địa phương đã phải bơm nước tưới liên tục trong nhiều ngày qua. Giá điện tăng đã gây khó cho nông dân giờ giá xăng dầu tiếp tục tăng lên nữa thì ảnh hưởng nhà nông rất lớn. “Giá nông sản thì rớt, đổ bỏ không bán được còn chi phí điện, nước, xăng dầu cứ tăng lên làm sao nông dân sản xuất nổi”-ông Nguyễn Viết Vinh-Tổng thư ký Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam cho biết.

Giá xăng tăng gần 2.000 đồng/lít: Nỗi khổ đổ lên đầu nông dân - 1

Giá  xăng  tăng sẽ khiến chi phí sản xuất của nhà nông tăng mạnh. Ảnh  minh họa, chụp tại cây xăng đường Láng (Hà Nội). Đ.D

Ông Quang Lực (người dân thôn Văn Ly, xã Điện Quang, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: Nhà tôi trồng gần 2 sào rau màu, ớt trên bãi. Tính bình quân, mỗi tháng chi phí cho tiền điện, xăng dầu để tưới tiêu đã tốn tiền triệu. Nhà nông vốn đã gặp nhiều khó khăn, sau khi tăng giá điện, lại tăng giá xăng dầu thì thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng là khó tránh.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, do chi phí đầu vào tăng cao nhiều nông dân đang có xu hướng giảm diện tích nuôi cá, tôm vì không có lãi. Hiện các doanh nghiệp mua tôm cho bà con chỉ còn 70.000 đồng/kg loại kích cỡ 100 con trong khi trước kia là 100.000 đồng. Với mức giá hiện nay, nông dân lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Đối với cá tra, hiện nay giá bán cũng giảm xuống còn 21.500 – 22.000 đồng/kg, bằng với giá thành. Trong khi đó, nông dân ngoài phải trả lãi vay ngân hàng nay lại thêm các chi phí điện đóm xăng dầu tăng lên, khó càng chồng khó.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho biết, thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc tăng giá xăng, điện. Theo ông Lịch, giá điện tăng 7,5%, cũng như giá xăng dầu tăng 2.000 đồng/lít hiện nay có thể đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng 3-5% trong thời gian tới. “Người chăn nuôi đang trong giai đoạn khó khăn chồng chất, thua lỗ do giá xuất chuồng thấp. Lần này, chi phí đầu vào tiếp tục tăng lên, người nuôi khó trụ vững”- ông Lịch nói.

“Đánh úp, giật cục” gây khó nông dân

Theo ông Trần Văn Lĩnh-Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, xăng dầu chiếm phần lớn chi phí của ngư dân mỗi chuyến đi biển dài ngày. Chi phí giá xăng dầu tăng kéo theo các loại vật tư, tiền nhân công tăng theo, trong khi giá sản phẩm khai thác được không tăng, thậm chí bị ế nếu sản phẩm đi biển dài ngày nếu không được bảo quản tốt. Do chi phí xăng dầu có xu hướng tăng cao nên ngư dân rất lo tàu phải nằm bờ, hoặc phải đánh bắt gần bờ cho sản lượng, chất lượng sản phẩm không cao, ngư dân có thể bị thua lỗ.

Một doanh nghiệp chế biến thủy hải sản cũng lo lắng, khi giá xăng dầu tăng, vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là hàng loạt các mặt hàng khác sẽ tăng giá theo. Chúng tôi lo lắng nhất là các nguyên liệu đầu vào sẽ “ăn theo” giá xăng dầu. Các tiểu thương đều lấy cớ giá vận chuyển tăng để ép giá nông dân. Các doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh giá thành, còn nông dân thì đến thời gian thu hoạch sản phẩm phải chấp nhận giá nào thì bán giá đó chứ không thể làm gì hơn.

Một doanh nghiệp chuyên ngành thực phẩm cũng khẳng định, chi phí vận tải chiếm 5% chi phí sản xuất của trứng nên việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chi phí cung ứng trứng của các nông hộ, trang trại ra thị trường. Chi phí này người nông dân sẽ lại phải gánh…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, giá xăng dầu cũng như giá điện hiện nay đang tăng kiểu “đánh úp, giật cục”, rất khó cho người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là người nông dân. Chi phí dành cho nhiên liệu để bà con ra khơi chắc chắn tăng lên khi giá xăng tăng tới 11% là 1.950 đồng/lít. Giá trị sản phẩm thu được thì không tăng nhưng giá đầu vào như điện, xăng dầu cứ liên tiếp tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con ngư dân. Giá thủy hải sản trên thị trường tới đây sẽ bị đội lên do các chi phí tăng.

Vận tải đang tính tăng cước

Ông Đỗ Quốc Bình-Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Hiệp hội đã họp với các doanh nghiệp (DN) taxi thành viên tại Hà Nội để tính toán, cân đối phương án kinh doanh. Theo ông Bình, giá xăng tăng mạnh như vậy thì cước vận tải khó có thể kìm giữ.  Đại diện hãng Taxi Mai Linh cũng cho biết sẽ họp bàn, cân nhắc lại bài toán kinh doanh, lấy ý kiến lái xe trước khi có một điều chỉnh nếu có. Các DN taxi nhỏ hơn thì cho biết, đang nghe ngóng động thái của các đơn vị lớn vì tăng giá cũng phải tính đến cạnh tranh, không thể tăng bừa theo giá xăng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương - Hải Quỳnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN