Giá xăng liên tục lập đỉnh, tài xế xe ôm không dám chạy lòng vòng tìm khách vì càng đi càng tốn xăng

Việc giá xăng dầu liên tục “tăng như vũ bão” khiến cho hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó có nghề tài xế công nghệ phải xoay sở với hàng loạt các chi phí “leo thang”.

Những ngày qua, thị trường xăng dầu đón nhận nhiều đợt “bão giá”, ngoài các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, vật tư y tế đều tăng phi mã thì thời điểm này, giá xăng tăng còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, trong đó có những tài xế của nhiều hãng xe công nghệ.

Ngồi từ lúc sáng sớm cho đến gần trưa, tài xế Đỗ Văn Quyết (39 tuổi, Phùng Khoang, Hà Đông) chia sẻ, từ sáng giờ chỉ chạy được vài ba cuốc xe cho khách, mỗi đơn chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng trở lại. 

Anh Quyết trong trạng thái chán nản vì không có khách đặt xe. Ảnh: Hồ Thành

Anh Quyết trong trạng thái chán nản vì không có khách đặt xe. Ảnh: Hồ Thành

Nhận thấy lượng khách đặt xe giảm sút, trong khi giá nguyên liệu xăng dầu tăng mạnh, anh Quyết với tâm trạng chán nản, không còn “mặn mà” với việc chạy xe ôm công nghệ.

Anh Quyết trải lòng: “Sáng giờ tôi chỉ đứng một chỗ trước cổng trường Học viện Y Dược học cổ truyền để đón khách, chứ nếu di chuyển lòng vòng tìm khách, sợ lại tốn thêm chi phí xăng xe trong khi lượng khách đợt này thưa thớt so với đợt xăng chưa lên giá”.

Theo ghi nhận của phóng viên tại ngã tư Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), nơi tập trung đông đúc các tài xế xe ôm công nghệ, họ cũng đều chung một tâm trạng hoang mang, lo lắng do giá xăng liên tục tăng trong khi số lượng người đặt xe giảm hẳn so với đợt trước. 

Anh Nam đợi khách trên trục đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân). Ảnh: Hồ Thành

Anh Nam đợi khách trên trục đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân). Ảnh: Hồ Thành

Anh Hùng (36 tuổi, Thanh Xuân Nam, Hà Nội) cho biết, giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến công việc chạy xe ôm, cộng thêm thời điểm dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khiến nguồn thu nhập của anh cũng theo đà giảm sút.

“Trước kia, tôi chỉ cần đổ 50.000 đồng là đầy bình xăng thì bây giờ, tôi phải đổ đến 70.000 đồng cũng chưa thấy đầy bình. Do đặc thù chạy xe công nghệ nên ngày nào tôi cũng kiểm tra bình xăng, giá xăng cứ vùn vụt tăng trong khi lượng khách đợt này giảm do dịch bệnh, nhiều lúc tôi còn không muốn bật app lên vì sợ chạy lại không đủ tiền đổ xăng”, anh Hùng chia sẻ thêm.

Cùng tình trạng tương tự, ông Phan Thế Nam (52 tuổi) bộc bạch: “Từ ngày giá xăng tăng, mọi sinh hoạt hằng ngày của tôi đều chi tiêu dè sẻn hơn. Công việc chính của tôi trước giờ là chạy xe ôm nên cứ cố gắng chạy được ngày nào hay ngày đấy”.

Ông Nam cho biết, thời gian trước anh đổ 60.000 đồng/ bình xăng chạy được tầm 100km thì nay phải trả gấp đôi tiền xăng mới đủ. 

So với trước đây khi giá xăng chưa tăng, một ngày anh kiếm được từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày. Trừ các chi phí ăn uống, bảo dưỡng xe thì cũng dư ra tầm 200.000 đồng - 300.000 đồng. Hôm nay, ông Nam ngồi cộng tiền các chuyến xe, số tiền dư ra chưa đến 200.000 đồng/ngày. 

Anh Hải đang chuẩn bị ship đồ ăn cho khách. Ảnh: Hồ Thành

Anh Hải đang chuẩn bị ship đồ ăn cho khách. Ảnh: Hồ Thành

Theo quan sát của phóng viên tại trục đường chính Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều shipper chọn điểm đỗ cố định một chỗ thay vì chạy xe máy lang thang kiếm đơn hàng như trước đây. Bởi các tài xế cho rằng, đây là cách tốt nhất để tiết kiệm chi phí xăng xe trong thời điểm giá xăng dầu tăng.

Anh Hải (30 tuổi, Kiến Hưng, Hà Đông) - một xe ôm có thâm niên 5 năm, tâm sự: “Thời gian gần đây số ca F0, F1 ngày càng nhiều, số lượng đặt đơn hàng lại giảm đi vì người mắc COVID-19 được cách ly, điều trị tại nhà. Cũng bởi vậy mà số lượng đơn giao đồ ăn cũng chỉ dao động từ 15 -20 đơn/ngày”.

Nắm bắt được tình trạng khó khăn của những tài xế xe ôm công nghệ, shipper, hãng xe ôm công nghệ Grab sẽ bắt đầu điều chỉnh giá cước dịch vụ từ ngày 10/3 tới.

Theo lý giải của ứng dụng gọi xe Grab, việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống. Đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn, với hy vọng sẽ giúp các tài xế xe công nghệ ổn định đời sống hơn.

Giá nhiều dịch vụ, mặt hàng ”nhảy múa” khi giá gas, xăng tăng

Người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều lần lượt tăng mạnh theo giá xăng dầu trong thời gian gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thành - Mỹ Duyên ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN